Doanh nghiệp đồ uống lo ngại rủi ro nếu thực hiện quy định mới về thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: LTT |
Theo VBA, việc Nghị định số 108/2015/NĐ-CP được ban hành vào ngày 28/10/2015 và Thông tư 195 được ban hành vào ngày 24/11/2015 có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2016 là quá gấp. Vì vậy, các DN trong ngành đồ uống không thể điều chỉnh kịp thời kế hoạch kinh doanh của năm 2016. Việc này gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của DN và đồng thời cũng ảnh hưởng đến sự ổn định của chính sách và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, trong hai văn bản này cũng có vấn đề cần xem xét. Đó là Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra. Như vậy, theo quy định của Luật thì không có sự phân biệt giữa giá bán ra của cơ sở kinh doanh độc lập và cơ sở kinh doanh trong hệ thống thương mại. Tuy nhiên, nội dung Nghị định 108 và Thông tư 195 lại loại cơ sở kinh doanh trong hệ thống thương mại ra khỏi quy định về cơ sở thương mại. Nhiều DN cho rằng, nội dung này gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành.
Cũng theo nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này, nếu quy định mức chênh lệch giá 7% như trong Nghị định 108 sẽ tạo ra một thủ tục hành chính phức tạp cho cả doanh nghiệp trong việc tuân thủ thực hiện cũng như cho cơ quan thuế trong thực thi. Hơn nữa. điều này sẽ khiến các doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro về thanh tra thuế, áp giá tính thuế…
Trước những bất cập này, các doanh nghiệp cùng VBA đồng loạt nhắc lại kiến nghị xem xét giữ nguyên cách xác định giá tính thuế TTĐB là giá bán ra của cơ sở sản xuất (như quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành), trong cả hai trường hợp: cơ sở sản xuất bán hàng qua các cơ sở kinh doanh thương mại có mối quan hệ công ty mẹ - công ty con với cơ sở sản xuất; cơ sở sản xuất bán hàng thông qua các cơ sở kinh doanh thương mại độc lập.
Bên cạnh đó, VBA cũng đề nghị xem xét lại quy định về cách thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu có thể hoạt động có hiệu quả và phù hợp với các quy định của pháp luật; đồng thời giữ nguyên mức chênh lệch 10% giá bán tại cơ sở thương mại như đã áp dụng trước đây.