Doanh nghiệp là then chốt của liên kết vùng

(BĐT) - Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ 2016 diễn ra ngày 16/9/2016 tại TP.HCM, với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 9 địa phương trong vùng.
Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn

Thiếu động lực liên kết

Theo ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động nhất cả nước trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Ngay từ những năm đầu tiên của công cuộc đổi mới, đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng tập trung vào TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, góp phần vào sự phát triển bứt phá của cả Vùng. Cho đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Vùng chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tính theo độ mở cửa kinh tế, đo bằng tỷ trọng xuất khẩu trên GDP, Vùng có chỉ số mở cửa đạt gần 110% trong khi chỉ số cả nước chỉ khoảng 70%. Tỷ lệ đầu tư trên GDP là 50%, cao gấp 1,5 lần so với cả nước,  nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn khoảng 1,4 - 1,6 lần so với nhịp độ tăng trưởng bình quân chung cả nước.

Các dự án đầu tư nước ngoài đã đi tiên phong trong hầu hết các ngành, lĩnh vực ưu thế của Vùng. Tính đến tháng 8/2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư 11.537 dự án với tổng vốn 140,2 tỷ USD vào khu vực Đông Nam Bộ, chiếm 57,4% và 48,4% FDI của cả nước. Các dự án FDI của Vùng tập trung 55,8% số dự án và 58% vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và chế tạo.

Tuy nhiên, khu vực này đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề trong liên kết và tăng trưởng bền vững. Cụ thể, theo Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, một số thành viên của Vùng luôn là những tỉnh thành dẫn đầu cả nước về mức tăng trưởng GDP, thu hút FDI và hơn cả là khả năng cải thiện môi trường kinh doanh như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Còn những tỉnh không thuộc vùng lõi khu vực như Tây Ninh, Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng, Ninh Thuận vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Liên kết vùng hướng đến mở rộng các quan hệ kinh tế liên vùng và quốc tế vẫn còn lỏng lẻo và chưa đồng bộ.

Chuyên gia của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định: “Vùng Đông Nam Bộ vẫn tồn tại tình trạng địa phương này đứng đầu trong lĩnh vực này, đứng đầu trong lĩnh vực kia nhưng lại chưa phải là dẫn đầu, động lực kéo các địa phương khác phát triển, các doanh nghiệp vẫn tự bơi để tìm đối tác. Do đó, vị thế của Vùng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng”. 

Doanh nghiệp giữ vai trò chủ lực trong liên kết

Các doanh nghiệp đã và đang là lực lượng chủ lực trong toàn bộ quá trình liên kết, tạo lập nên vùng kinh tế trọng điểm phát triển năng động, bền vững. Bởi chỉ có các doanh nghiệp mới là yếu tố tạo nên cung - cầu, tạo nên thị trường
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Vùng kinh tế Đông Nam Bộ cần giữ vai trò tiên phong trong việc chuyển hướng thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung vào việc thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, Vùng cần hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành cho không gian phát triển kinh tế - xã hội, nhất là quy hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư. Làm tốt công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển đô thị. Bên cạnh đó, việc Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đồng thời với việc gia nhập hàng loạt các cam kết quốc tế thế hệ mới sẽ tạo điều kiện cho nhiều phương thức thu hút đầu tư nước ngoài mới như M&A trong lĩnh vực công nghệ, tài chính, bất động sản… Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực hạ tầng và mô hình khởi nghiệp doanh nghiệp cũng có thể tìm cách tiếp cận với các nguồn vốn nước ngoài.

Để thực hiện tốt các giải pháp trên, lãnh đạo 9 địa phương tham gia Diễn đàn đều cho rằng, vai trò của doanh nghiệp cần được đặt ở vị trí trung tâm. “Các doanh nghiệp đã và đang là lực lượng chủ lực trong toàn bộ quá trình liên kết, tạo lập nên vùng kinh tế trọng điểm phát triển năng động, bền vững. Bởi chỉ có các doanh nghiệp mới là yếu tố tạo nên cung - cầu, tạo nên thị trường” - đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho biết.

Còn theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đoàn Duy Khương, cần tăng cường các hoạt động hợp tác liên kết vùng để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, chú trọng liên kết các tỉnh, nhất là các tỉnh nội vùng và các tỉnh vùng lân cận như Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Trung - Tây Nguyên để tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và hiệu quả cao, tạo ra thế mạnh vùng, lan tỏa để phát triển. Cần tạo niềm tin và tiếp thêm động lực cho cộng đồng doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ phát huy sức mạnh liên kết vùng để hiện thực hóa các mục tiêu trên.           

Tin cùng chuyên mục