Trong tháng 11, cả nước có 11.902 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 149,9 nghìn tỷ đồng, tăng 44,6% về số doanh nghiệp, tăng 38% về vốn đăng ký so với tháng 10/2021. Ảnh: Gia Khoa |
Tín hiệu phục hồi
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP, hoạt động đăng ký kinh doanh của các DN tiếp tục ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực.
Trong tháng 11, cả nước có 11.902 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 149,9 nghìn tỷ đồng và 76,6 nghìn lao động, tăng 44,6% về số DN, tăng 38% về vốn đăng ký và tăng 30,2% về số lao động so với tháng 10/2021. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong tháng đạt 12,6 tỷ đồng, giảm 4,5% so với tháng 10/2021 và giảm 42,1% so với cùng kỳ năm 2020. Cũng trong tháng 11, cả nước có 4.958 DN quay trở lại hoạt động, tăng 15,2% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung, 11 tháng, cả nước có 105,6 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.454,2 nghìn tỷ đồng và 784,2 nghìn lao động. Vốn đăng ký bình quân DN thành lập mới trong 11 tháng đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước. “Nếu tính cả 2.219,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 38,8 nghìn DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm nay là 3.673,6 nghìn tỷ đồng”, Tổng cục Thống kê thông tin.
Bên cạnh đó, còn có 40,5 nghìn DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 146,1 nghìn DN. Bình quân một tháng có 13,3 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, các con số này cho thấy, tình hình đăng ký kinh doanh tiếp tục phục hồi sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP.
“Trong bối cảnh bình thường mới, có thể nhiều doanh nhân nhìn thấy cơ hội kinh doanh mới (lĩnh vực đổi mới sáng tạo) nên đã quyết định thành lập DN, hoặc có những DN đã có ý tưởng kinh doanh từ trước đó nhưng nay mới là thời điểm thích hợp để khởi nghiệp… nên số lượng DN thành lập mới tháng 11 đã bật tăng trở lại”, ông Nam phân tích.
Ghi nhận thực tế của Tổ công tác đặc biệt khu vực phía Nam của Bộ Công Thương tại một số tỉnh thành phía Nam, các DN đang khôi phục sản xuất trở lại. Tại tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 22/11/2021, 99% DN hoạt động trong các khu công nghiệp đã khôi phục hoạt động. Tương tự, tại Bình Dương, trên 90% các DN sản xuất trong khu công nghiệp đã đăng ký và hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “3 xanh” và “3 linh hoạt”…
Cần tăng tốc triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ
Bên cạnh những tín hiệu tích cực nêu trên, trong tháng 11 có 3.523 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020; 4.642 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 52,3% so với tháng trước và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; 1.256 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 55,8% so với tháng 10/2021 và giảm 35,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm nay, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 52,1 nghìn DN, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; gần 39,5 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 14,9 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể. Như vậy, bình quân một tháng có gần 9,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
“Những con số này cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn”, ông Nam nhìn nhận và cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao triển khai tất cả những gói chính sách hỗ trợ một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, góp phần hỗ trợ DN phục hồi, phát triển.
“Chúng ta không thể biết quá trình phục hồi mất khoảng bao lâu. Song, giai đoạn đầu của quá trình phục hồi là giai đoạn cực kỳ quan trọng, cần tốc độ nhanh. Vì thế, tất cả các chính sách hỗ trợ cần được tăng tốc triển khai”, ông Nam nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cũng là giải pháp hỗ trợ DN phục hồi hiệu quả. Hỗ trợ bằng cách này không tốn kém nhưng tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp DN tiết kiệm thời gian, tiền bạc, từ đó dễ dàng tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới.