Doanh nghiệp trước “ma trận” phòng vệ thương mại

(BĐT) - Nếu như trong giai đoạn 2000 - 2016, số vụ việc điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trung bình là 1 vụ/năm, thì hiện nay, tần suất các vụ kiện liên quan đến vấn đề này gia tăng trông thấy. Doanh nghiệp (DN) sản xuất Việt Nam cần làm gì để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại?
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Liên tiếp bị kiện chống bán phá giá

Ngành thép là một trong những ngành có tần suất dày đặc các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại trong thời gian gần đây. Theo ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, bình quân mỗi tháng có 1 vụ việc điều tra liên quan đến chống bán phá giá với ngành thép. Gần đây nhất là vụ việc Ấn Độ đưa ra kết luận cuối cùng về áp thuế chống trợ cấp với các nhà sản xuất, xuất khẩu ống thép không gỉ của Việt Nam, làm dấy lên lo ngại đối với các DN sản xuất thép trong bối cảnh nguồn cung trong nước dư thừa, cạnh tranh xuất khẩu ngày càng gay gắt. Trước đó không lâu, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo quyết định sơ bộ khẳng định thép các bon chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp từ Hàn Quốc và Đài Loan.

Bên cạnh thép, mặt hàng thủy sản cũng bị cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán giá giá. Cụ thể, vừa qua, Tập đoàn Minh Phú - nhà xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam và là một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới bị cáo buộc mua tôm Ấn Độ và chế biến qua tại Việt Nam trước khi xuất sang Mỹ nhằm trốn thuế chống bán phá giá đang áp cho tôm nhập khẩu từ Ấn Độ. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam trong lĩnh vực nông sản, giầy dép… cũng bị phản ánh.

Thừa nhận thực tế này, Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2000 đến nay, số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do các đối tác nhập khẩu nghi ngờ hàng hóa chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam. Đặc biệt, các nghi ngờ này chủ yếu tập trung vào các mặt hàng đang bị áp thuế phòng vệ thương mại được xuất khẩu với số lượng lớn, gia tăng đột biến sang các nước, hoặc các mặt hàng bị nghi ngờ về năng lực sản xuất của Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương nhận định, các nước có xu hướng tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường trong nước trước sự thâm nhập của hàng hoá nước ngoài. “Nếu không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ, thì có thể ảnh hưởng đến các DN, ngành hàng cụ thể, lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do có yêu cầu cao về xuất xứ”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Đề cập về tác động của các vụ kiện phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đánh giá có tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu, làm giảm kim ngạch xuất khẩu và ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước.

Để ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế, cũng như bảo vệ lợi ích của các DN sản xuất, kinh doanh chân chính, Bộ Công Thương khuyến nghị DN cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ được ban hành mới đây.

Ở góc độ DN, ông Trịnh Khôi Nguyên cho rằng, các DN thành viên cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, cải tiến, nâng cao năng lực quản trị DN để từ đó hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, các DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro; tuân thủ pháp luật thương mại, pháp luật cạnh tranh quốc tế… Khi xảy ra các vụ việc cần có sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra, Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng để làm rõ vụ việc.

Một số chuyên gia cũng khuyến cáo, DN xuất khẩu cần thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng cho sản phẩm cùng các đối thủ cạnh tranh khác; tăng cường đầu tư nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm…

Tin cùng chuyên mục