Việc đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án đầu tư công vẫn chưa được quan tâm. Ảnh: Tiên Giang |
Việc đổi mới công tác này được xem là đòi hỏi bức thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Rào cản đối với áp dụng CBA
Phân tích chi phí - lợi ích (CBA) hiện được xem là công cụ đánh giá dự án đầu tư khá hiệu quả, được sử dụng rộng rãi tại các quốc gia thành viên OECD và các quốc gia phát triển, các tổ chức tín dụng lớn trên thế giới. Một số quốc gia trên thế giới đã quy định bắt buộc sử dụng CBA đối với các dự án đầu tư công theo quy mô vốn như: Chile là trên 150.000 USD; Na Uy là 126 triệu USD; Hàn Quốc là 100 triệu USD… Tại Việt Nam, một số dự án đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đã được áp dụng CBA, song theo ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Ban Chính sách đầu tư thuộc CIEM thì vẫn “còn mang tính hình thức, còn nhiều rào cản”.
Ông Thắng cho biết, hiện chưa có quy định pháp lý cụ thể bắt buộc thực hiện thẩm định, tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. “Luật Đầu tư công 2014 có quy định về đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội dự án nhưng lại không cụ thể hóa phương pháp, tiêu chí đánh giá”, ông Thắng nhấn mạnh. Kết quả nghiên cứu của CIEM cũng cho thấy, hiện không có quy định về thẩm định đặc thù đối với các dự án lớn của doanh nghiệp nhà nước; quy trình thẩm định khép kín; không có quy định về chi phí và thẩm định đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội dự án…
Bên cạnh đó, việc đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án vẫn chưa được quan tâm vì cho rằng giải pháp thiết kế mới là chủ yếu. Nhiều dự án có đánh giá thì cũng rất sơ sài. Thậm chí, ở nhiều dự án BOT chỉ có đánh giá về mặt tài chính. Việc lượng hóa các lợi ích và chi phí còn chưa có sự thống nhất, đồng bộ…
Ông Phạm Ngọc Sơn, đại diện Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải thừa nhận: “Hiện ở cả 4 quy hoạch chuyên ngành đường bộ, đường sắt, cảng biển và đường thủy vẫn chưa đưa ra được danh mục ưu tiên đầu tư trên cơ sở định lượng. Thực tế là chỉ cần dự án có trong quy hoạch là được lựa chọn, còn các tiêu chí khác chưa được chú trọng”.
Đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công
Để nâng cao hiệu quả dự án đầu tư công của Việt Nam, các chuyên gia tại Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp.
Ông Đinh Trọng Thắng kiến nghị, trước mắt cần luật hóa quy định (sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công) về đánh giá, ước lượng hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư công nói chung, trong đó có lĩnh vực giao thông nói riêng. Xây dựng hướng dẫn chung về thẩm định dự án đầu tư công, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội dự án đầu tư hạ tầng giao thông phải ở tất cả các bước lập dự án đầu tư. Đồng thời, xây dựng sổ tay hướng dẫn đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội bằng phương pháp CBA thẩm định dự án đầu tư công ngành giao thông đường bộ và hướng tới xây dựng sổ tay hướng dẫn cho các lĩnh vực đầu tư công khác…
Chuyên gia Vũ Đức Công thì nhấn mạnh đến 3 vấn đề cần chú trọng để thẩm định dự án đầu tư công. Đầu tiên là thẩm định dự án phải chú ý đến yếu tố kết nối các dự án nhằm tránh lãng phí đầu tư. Thứ hai là gắn quy hoạch với tối ưu hóa việc sử dụng nguồn tiền. Tiếp đó là nâng cao chất lượng, năng lực thẩm định dự án dựa trên yếu tố công khai, minh bạch để có được dự án hiệu quả nhất.
GS. Lê Xuân Bá thì cho rằng, CBA là mô hình quan trọng, nhưng quan trọng hơn trong việc nâng cao hiệu quả dự án đầu tư công là nâng cao trách nhiệm. “Trách nhiệm càng lớn thì cần phải có chế tài giám sát nghiêm. Chế tài phải sòng phẳng”, GS. Lê Xuân Bá nhấn mạnh.
Một số ý kiến khác cho rằng, ngoài việc sử dụng phương pháp CBA thì phân tích đa nhân tố hiện là phương pháp có tính khả thi cao tại Việt Nam. Bởi lẽ, phương pháp này ít đòi hỏi về mặt số liệu để tính toán hiệu quả kinh tế dự án, mà cho phép áp dụng ước lượng một khoảng có thể để giúp lựa chọn dự án đầu tư ưu tiên.