Năm 2019, UBND TP.HCM thông báo chủ trương chấm dứt thực hiện hợp đồng BOT dự án bãi xe ngầm Công viên Lê Văn Tám. Ảnh: Ngọc Tuấn |
Thế bế tắc của nhà đầu tư
Dự án Xây dựng, khai thác tầng ngầm làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng tại Công viên Lê Văn Tám được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện theo hợp đồng BOT tại Văn bản số 530/TTg-CN ngày 29/4/2005. IUS và Sở Giao thông vận tải TP.HCM ký hợp đồng BOT lần đầu ngày 15/10/2009 và ký bản cập nhật, chỉnh sửa vào ngày 28/3/2017. Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 103.225 m2.
Ông Lê Tuấn, Tổng giám đốc IUS cho biết, TP.HCM từng chấp thuận chủ trương hỗ trợ lãi tiền vay 3%/năm trên tổng số tiền vay (không vượt quá 70% tổng mức đầu tư) trong thời gian không quá 10 năm. Tuy nhiên, sau đó chủ trương hỗ trợ này bị hủy bỏ. Theo ông Lê Tuấn, nhiều điều kiện Thành phố đưa ra, tính khả thi của Dự án là “bằng không”. Cụ thể, TP.HCM chỉ chấp nhận diện tích thương mại 30%, khống chế giá gửi xe, cắt bỏ chủ trương hỗ trợ về tài chính.
“Với suất đầu tư 7.000 USD/m2 thì so với giá 30 ngàn đồng/lượt xe gửi hiện tại, nhà đầu tư không thể nào cạnh tranh nổi với các bãi gửi xe khai thác hạ tầng công sẵn có. Dù sau này TP.HCM bỏ hạn chế về giá nhưng khả năng thu hồi vốn của Dự án vẫn khó khả thi, nhà đầu tư không thể có lời”, ông Tuấn nói và cho biết, Dự án còn bị khống chế diện tích thương mại ngoài mục đích gửi xe. Trong 10 năm trở lại đây, các trung tâm thương mại ở TP.HCM phát triển rất nhanh, khiến sức cạnh tranh phân khúc mặt bằng thương mại càng trở nên gay gắt. Trong điều kiện như trên, Dự án không khả thi và nhà đầu tư không thể huy động vốn vay triển khai xây dựng theo tiến độ như đã giao kết trong Hợp đồng BOT.
Đại diện IUS cho biết đã nhiều lần làm việc với Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TP.HCM (sau này chuyển thành Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM) với mong muốn được hỗ trợ tài chính nhưng bị từ chối. Trong những năm 2017 - 2019, IUS đã làm việc với nhiều ngân hàng trong nước, nhằm tìm kiếm khoản tín dụng chiếm 70% tổng mức đầu tư Dự án. Tuy nhiên, hầu hết ngân hàng đều từ chối cho vay với lý do tính khả thi tài chính của Dự án rất thấp, một biến động nhỏ sẽ dẫn tới thua lỗ. Chỉ có Ngân hàng TMCP Đông Á cho IUS vay 107 tỷ đồng.
Tìm đâu lối thoát?
Trả lời IUS về xin được gia hạn tiến độ triển khai Dự án, ngày 20/8/2019, UBND TP.HCM có Văn bản số 3427/UBND-DA. Theo đó, Thành phố bác đề xuất của IUS và thông báo chủ trương chấm dứt thực hiện hợp đồng BOT với lý do IUS vi phạm hợp đồng, không đảm bảo năng lực tiếp tục triển khai Dự án.
Ông Lê Tuấn cho biết, vào thời điểm TP.HCM thông báo chủ trương chấm dứt hợp đồng BOT, IUS đã thực hiện 90% khối lượng công việc ở bước thiết kế thi công công trình theo nội dung văn bản thẩm định thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng và văn bản thẩm định bổ sung của UBND TP.HCM. Việc chậm trễ triển khai Dự án có nhiều nguyên nhân cần được nhìn nhận khách quan. Đơn cử, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành phòng cháy chữa cháy mới nhất và yêu cầu vận hành an toàn, thuận tiện cho người sử dụng, IUS phải tiến hành điều chỉnh thiết kế cơ sở (bản 2006) và sau đó được Bộ Xây dựng cho ý kiến, được UBND TP.HCM phê duyệt ngày 23/5/2014. Tính riêng việc điều chỉnh thiết kế đã mất 8 năm. Ngoài ra, trong hơn 17 năm thực hiện các thủ tục đầu tư, Dự án cũng có thay đổi về quy mô và giải pháp kỹ thuật công trình phù hợp với kết nối nhà ga Metro trên đường Hai Bà Trưng trong tương lai.
Ông Tuấn nêu quan điểm, theo thời gian đã có sự thay đổi căn bản về hoàn cảnh thực hiện hợp đồng BOT do những nguyên nhân khách quan không lường trước được. Hơn thế, thực tiễn thay đổi lớn đến mức nếu như IUS biết trước thì hợp đồng đã không được ký kết. Nếu tiếp tục thực hiện Dự án mà không có sự điều chỉnh nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho IUS. Việc chậm tiến độ triển khai Dự án do nguyên nhân khách quan, nhưng từ khi TP.HCM thông báo chủ trương chấm dứt hợp đồng (từ năm 2019), các cơ quan hữu trách chưa ngồi lại với IUS để bàn bạc, thanh lý hợp đồng nhằm bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ chính đáng của các bên.
Tìm lối thoát cho Dự án, IUS đề xuất 3 kiến nghị. Một là, gia hạn tiến độ thực hiện thêm 24 tháng để IUS thu xếp tín dụng với các quỹ tín dụng quốc tế đã cấp thư quan tâm. Hai là, TP.HCM chấp thuận chủ trương hỗ trợ lãi vay như đã từng thống nhất (Công văn số 7042/UB-ĐT ngày 18/11/2004 và Thông báo số 54/TB-UB ngày 24/1/2005). Ba là, trường hợp chấm dứt hợp đồng BOT, UBND TP.HCM xem xét chủ trương hoàn trả cho IUS khoản vốn đã đầu tư dang dở (đã được kiểm toán), trong đó có khoản 107 tỷ đồng vay của Ngân hàng TMCP Đông Á nhằm giảm thiệt hại cho nhà đầu tư.
Hiện Văn phòng Chính phủ đã chuyển kiến nghị của IUS tới UBND TP.HCM để xem xét theo quy định. Phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM để tìm hiểu nhưng chưa được phản hồi.