Dự án cải tạo đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất: Vì sao ACV không được giao quản lý dự án?

(BĐT) - Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hiện tại, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chưa đáp ứng đủ điều kiện để được giao quản lý 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh và đường lăn của Cảng Hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Hai đơn vị trực thuộc Bộ GTVT sẽ trực tiếp quản lý các dự án cấp bách này.
Đường lăn sân bay Nội Bài xuất hiện hư hỏng như nứt vỡ, phùi bùn, thậm chí có hiện tượng bị lún
Đường lăn sân bay Nội Bài xuất hiện hư hỏng như nứt vỡ, phùi bùn, thậm chí có hiện tượng bị lún
ACV chưa đủ điều kiện để được giao quản lý dự án
Theo Bộ GTVT, hiện có 3 đơn vị có thể được giao quản lý 2 dự án trên là: ACV, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) và Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long. Trong đó, CIPM và Ban QLDA Thăng Long trực thuộc quản lý của Bộ GTVT.
Trong 3 đơn vị nói trên, ACV có nhiều ưu điểm và nổi trội nhất như có đội ngũ cán bộ, kỹ sư có chuyên môn và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu quản lý dự án, nhất là dự án phải triển khai trong điều kiện vừa thi công, vừa phải bảo đảm khai thác tại CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, ACV cũng có lực lượng chuyên môn làm việc tại 2 sân bay này, thuận lợi cho công tác quản lý dự án; chủ động trong việc điều phối khai thác công trình cất, hạ cánh, đường lăn để thực hiện thi công.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đánh giá, tại thời điểm này, ACV chưa đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của pháp luật như cán bộ, kỹ sư chưa có chứng chỉ hành nghề quản lý dự án, dẫn đến chưa đủ điều kiện để thành lập tổ chức quản lý dự án của ACV, do đó không đủ điều kiện để giao quản lý 2 dự án trên.
Mặc dù ACV tự bỏ kinh phí để khắc phục các điểm hư hỏng của đường cất, hạ cánh, đường lăn tại CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất, song Bộ GTVT cho biết, đây chỉ là giải pháp tình thế. Để giúp đẩy nhanh thủ tục thực hiện, Bộ GTVT sẽ là chủ đầu tư của 2 dự án trên. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giao Ban QLDA Thăng Long tổ chức quản lý Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh và đường lăn CHKQT Nội Bài; CIPM tổ chức quản lý Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh và đường lăn CHKQT Tân Sơn Nhất. Giám đốc Ban QLDA Thăng Long, Tổng giám đốc CIPM được giao trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về chất lượng, tiến độ hoàn thành các dự án.
Tận dụng thời điểm vàng
Từ năm 2018, Bộ GTVT liên tục có văn bản báo cáo Thủ tướng về tình trạng quá tải của hệ thống đường cất, hạ cánh và đường lăn tại CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất, dẫn tới bị xô dịch, gãy vỡ, hằn lún mặt đường, phủi bùn tại các khe co giãn, bong bật, nứt vỡ các tấm bê tông. Nhu cầu cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cho 2 CHKQT này rất cấp bách. Tuy nhiên, từ trước thời điểm cuối năm 2019, việc tổ chức thực hiện thi công là không khả thi bởi tần suất khai thác luôn trong tình trạng quá tải.
Theo nhận định của một số chuyên gia hàng không, việc Chính phủ siết mạnh các tuyến khai thác hàng không do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang mở ra “thời điểm vàng” để Bộ GTVT nhanh chóng triển khai 2 dự án cấp bách này.
Nắm bắt được tình thế này, ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41, thống nhất dự án cải tạo đường cất, hạ cánh và đường lăn CHKQT Nội Bài, Tân Sơn nhất được thực hiện “theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khần cấp”.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tổng hợp dự án trong phương án phân bổ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2019, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ GTVT chủ động quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, tận dụng ngay thời điểm các sân bay đang giảm tần suất khai thác do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để triển khai dự án hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục