Dự án đầu tư công tại Bắc miền Trung: Tiến độ giải ngân vướng lực cản thời tiết

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh Bắc miền Trung đang chồng chất khó khăn khi mưa bão khiến việc thi công trên công trường các dự án ngưng đọng.
Công trình đường ven biển qua tỉnh Quảng Bình phải dừng chờ thời tiết khô ráo mới tiếp tục thi công. Ảnh: Hà Minh
Công trình đường ven biển qua tỉnh Quảng Bình phải dừng chờ thời tiết khô ráo mới tiếp tục thi công. Ảnh: Hà Minh

Hơn một tuần nay, Công ty CP Xây dựng số 1 Việt Phong (trụ sở tại Quảng Bình) không triển khai được khối lượng công việc tại các gói thầu xây lắp ở Quảng Trị. Việt Phong là một trong những nhà thầu thi công cầu qua sông Hiếu, nối Khu đô thị Bắc sông Hiếu với trung tâm TP. Đông Hà với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022, tuy nhiên nhà thầu này cho biết, mấy ngày nay, nhân lực và thiết bị dừng thi công do mưa to, lũ từ miền núi đổ về, nước sông Hiếu chảy xiết ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung toàn Dự án.

Cùng “cắm trại” và bất lực trước thời tiết, Công ty TNHH Nguyên Lâm (trụ sở tại Đà Nẵng) đang xây dựng hạng mục cầu tại Dự án tuyến ven biển cầu Thuận An và đường ven biển Thừa Thiên Huế cho biết, công trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa liên tục những ngày qua. Trong số 8 móng trụ Nhà thầu đảm trách, mới chỉ hoàn thành 2 móng trụ, mùa mưa bão đã bắt đầu nên việc thi công dưới nước không thể thực hiện và có thể phải chờ đến đầu năm 2023 mới thi công trở lại. “Nhà thầu đang làm thủ tục thanh quyết toán khối lượng công việc trước đó với chủ đầu tư vì dự kiến từ nay đến cuối năm, mưa bão sẽ xuất hiện nhiều, khối lượng công việc đạt được sẽ rất thấp, khó thanh quyết toán”, một cán bộ của Nhà thầu cho biết.

Tại Gói thầu số XL-04 thuộc Dự án thành phần 1 Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 (tỉnh Quảng Bình), Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương - Công ty Hải Đăng - Công ty Cầu đường 10 cũng bị “bó cứng” do mưa lũ. “Không thể công địa trong điều kiện mưa to, tất cả đang chờ thời tiết thuận lợi hơn”, đại diện các nhà thầu cho biết.

Thiên tai là tình huống bất khả kháng đối với thi công dự án trên công trường. Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế không khỏi lo lắng vì giải ngân đầu tư công đạt thấp. Tại Quảng Trị, kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Tỉnh được giao hơn 3.874 tỷ đồng, tổng giá trị giải ngân đến đầu tháng 9/2022 mới đạt 34% kế hoạch. Quảng Bình đạt cao hơn nhưng cũng chỉ ở mức 42,6%, trong khi Thừa Thiên Huế là hơn 47% kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, năm 2022, bên cạnh giá cả một số vật tư, nhiên liệu liên tục tăng cao…, thì thời tiết không thuận lợi, mùa mưa bão diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình và giải ngân vốn đầu tư công.

Tại Thừa Thiên Huế, theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND Tỉnh, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của địa phương trọng tâm là tại các dự án: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An; Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi Sân bay Phú Bài… Tuy nhiên, hầu hết các dự án mới khởi công xây dựng và lựa chọn xong nhà thầu nên nguồn vốn giải ngân chưa cao.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo chủ đầu tư cùng các nhà thầu bảo vệ khối lượng công việc đã thực hiện trước đó, tranh thủ thời tiết nắng ráo tăng ca đẩy nhanh tiến độ, tăng khối lượng công việc hoàn thành để thanh quyết toán. Bên cạnh đó, địa phương đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương phối hợp thẩm định một lần để rút ngắn thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư dự án mới, rút ngắn thời gian thi công nhưng vẫn bảo đảm tỷ lệ giải ngân nguồn vốn.

Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, để tiếp tục giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022, trong những tháng cuối năm, bên cạnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, Tỉnh đặc biệt lưu ý Sở Xây dựng căn cứ hướng dẫn của Bộ Xây dựng thực hiện công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến thị trường, tham mưu UBND Tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu đưa vào áp dụng kịp thời trong từng dự án, bảo đảm tiến độ giải ngân, tiến độ thi công và chất lượng công trình.

Tin cùng chuyên mục