Ảnh minh họa: Internet |
Điều chỉnh phương án tài chính
Như Báo Đấu thầu đã đưa tin, Dự án Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 1.751 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.
Theo kết quả sơ tuyển, có 4 nhà đầu tư trúng sơ tuyển gồm: Liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội - Công ty CP Công nghệ Tiên Phong; Liên danh Công ty CP Viễn thông - Tin học Bưu điện - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Liên danh Công ty CP Giải pháp tòa nhà thông minh - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; Liên danh Công ty CP Đầu tư công nghệ hạ tầng Vietin - Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Công ty CP Thương mại Dịch vụ viễn thông Việt Vương - Công ty CP Công nghệ truyền thông DTS.
Ban Quản lý dự án 2 (Bên mời thầu) cho biết, trên cơ sở phương án tài chính được Bộ GTVT phê duyệt, ngày 29/6/2018, Tổng cục Đường bộ (TCĐB) đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư và phê duyệt HSMT lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Dự án Thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn 1 áp dụng trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO cho thấy, phương án tài chính không đảm bảo khả năng hoàn vốn đầu tư nên Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất phương án tài chính theo hướng nguồn thu của Dự án Thu phí tự động không dừng trích trực tiếp từ nguồn thu của dự án BOT.
Theo yêu cầu của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 2 đã dừng phát hành HSMT Dự án Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 từ ngày 6/7/2018 để rà soát, tính toán lại phương án tài chính nhằm tránh những vướng mắc như Dự án Thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn 1.
Dựa vào nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1317/TTg-CN ngày 27/9/2018, các cơ quan liên quan của Bộ GTVT, nhà đầu tư, đơn vị tư vấn Dự án đang điều chỉnh lại phương án tài chính theo hướng nguồn thu hoàn vốn của Dự án Thu phí tự động không dừng trích trực tiếp từ nguồn thu của dự án BOT, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư BOT, nhà đầu tư Dự án và người dân, không làm tăng mức phí sử dụng dịch vụ đường bộ đối với người tham gia giao thông so với các hình thức thu hiện hành.
Sẽ phát hành HSMT trong quý IV/2018
Sáng 1/11/2018, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ phụ trách của TCĐB cho biết, theo nội dung Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng thì chậm nhất đến cuối năm 2019, tất cả các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đều thực hiện thu theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Để đáp ứng được lộ trình này, tiến độ lựa chọn nhà đầu tư BOO Dự án Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 cần phải được đẩy nhanh. Ban Quản lý dự án 2 và TCĐB đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để cân nhắc, lựa chọn phương án tài chính hợp lý nhất, có tính khả thi để trình Bộ GTVT phê duyệt lại vào đầu tháng 11/2018. Và trên cơ sở phê duyệt của Bộ GTVT, TCĐB sẽ xây dựng và phê duyệt HSMT để Ban Quản lý dự án 2 phát hành HSMT lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án ngay trong quý IV/2018.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đối với các dự án BOT do địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định phương án lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí để triển khai thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí. Để đảm bảo lộ trình áp dụng thu phí tự động không dừng, TCĐB đã mời các địa phương có dự án BOT họp bàn cách thức triển khai, áp dụng, song một số địa phương lại không đồng ý tham gia, thậm chí có địa phương như tỉnh Quảng Ninh còn đề xuất bổ sung trạm thu phí vào phạm vi của dự án BOT.
Cán bộ của TCĐB cũng chia sẻ, để tất cả các trạm thu phí áp dụng thu phí tự động không dừng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rất cần sự chia sẻ, đồng thuận của người dân, xã hội, chính quyền địa phương, các nhà đầu tư BOT, BOO vì mục tiêu công khai, minh bạch trong thu phí sử dụng đường bộ và sự thuận tiện của người tham gia giao thông qua các trạm thu phí.