Công nhân thử sợi tại phân xưởng sợi của PVTex. |
Ông Đào Văn Ngọc - Chủ tịch HĐQT PVTex cho biết, từ ngày 9/4. các cuộn sợi đầu tiên đã được đưa vào kéo thử, 3 dây chuyền sản xuất sợi được khởi động trở lại vào hôm nay (10/4). Sau khi tiến hành tinh chỉnh, đánh giá chất lượng sản phẩm sợi DTY, từ ngày 18/4, PVTex sẽ chính thức vận hành sản xuất kinh doanh 3 dây chuyền kéo sợi. Chuyên gia của đơn vị cung cấp bản quyền thiết bị Bamag (Đức) cùng tham gia, hỗ trợ trong thời gian khởi động trở lại.
Vị này cũng cho biết, để phân xưởng sợi hoạt động trở lại. nhà máy đã huy động 26 kỹ sư, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, kinh nghiệm từng đứng máy kéo sợi quay lại làm việc. "Toàn bộ nguồn nguyên liệu như sợi POY, dầu tráng sợi, thiết bị thay thế, bảo dưỡng… đã được chuẩn bị hoàn tất, bài bản. Đặc biệt, nguyên liệu chính là sợi POY đã được mua với giá, tối ưu và cạnh tranh trên thị trường", lãnh đạo PVTex cho biết.
Trong tháng đầu tiên vận hành trở lại, dự kiến nhà máy sẽ sản xuất 189 tấn sợi các loại. Lãnh đạo nhà máy đang tích cực làm việc cùng đối tác, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Sợi của PVTex sản xuất ra sẽ được tinh chỉnh phù hợp với thị trường và các yêu cầu về tính cơ lý như độ mảnh, giãn, cường lực... Một số thí nghiệm bước đầu tại phòng thí nghiệm của nhà máy cho thấy toàn bộ các đặc tính cơ lý của sản phẩm đều đạt và hướng tới chất lượng đề ra.
Tại buổi chạy thử, ông Lê Mạnh Hùng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, lần vận hành này PVTex đã có sự cẩn trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng, làm chắc, bài bản từng bước, quán triệt tinh thần “tuyệt đối tiết kiệm từng xu, từng hào”
PVTex là một trong số 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc PVN của ngành Công Thương. Dự án này bắt đầu cuối năm 2008 với tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỷ đồng). Tháng 5/2014, PVTex đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Làm ăn thua lỗ khiến PVTex phải dừng vận hành từ 17/9/2015 đến nay, nhiều nhân sự phải nghỉ việc tạm thời.
Năm 2015, doanh nghiệp này lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ. Trước đó, trong năm 2014, doanh thu của nhà máy này cũng chỉ đạt 992 tỷ đồng, lỗ 1.085 tỷ. Năm 2016 nhà máy dự định vận hành trở lại nhưng không thành công và đóng cửa từ đó đến nay. Phương án cho phá sản nhà máy từng được cấp có thẩm quyền tính tới nếu việc cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp này không thành công.