Phối cảnh kiến trúc lối lên xuống số 3 (nằm trong khu vực vườn hoa hồ Gươm). Nguồn: MRB. |
Ngày 22/1, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho hay, phương án tổng thể mặt bằng nhà ga C9 và các lối lên xuống, công trình phụ trợ dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đã được các cơ quan liên quan cho ý kiến.
Khu vực ga C9 có những công trình văn hóa lịch sử nổi tiếng như Hồ Gươm, Tháp Bút, đền bà Kiệu, tượng đài Cảm tử... nên việc xây dựng phương án quy hoạch tổng thể mặt bằng được thực hiện thận trọng với sự tham gia của tư vấn nước ngoài, đóng góp của các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo đó, nhà ga chính C9 được xem xét bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa hồ Gươm. Nhà ga dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10m, tới tượng đài Cảm tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m.
Phối cảnh kiến trúc cửa lên xuống số 1. Nguồn: MRB.
Cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và trên một phần đất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Cửa lên xuống số 2 có chiều rộng bên trong khoảng 2,5m, chiều dài phần nổi trên mặt đất khoảng 14,5m.
Do nằm trong khu vực vườn hoa Hồ Gươm (khu vực nhà vệ sinh đối diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội), vị trí đặt cửa lên xuống số 3 từng có nhiều ý kiến trái chiều. Các đơn vị làm quy hoạch đã đề xuất dịch cửa lên xuống số 3 vào sát mép ga, khoảng cách từ cửa lên xuống số 3 tới hồ Gươm khoảng 11m, tới đường Đinh Tiên Hoàng 13,5m.
Có hai phương án cho vị trí cửa lên xuống số 4. Một là nằm ở phía trước Điểm thông tin và hỗ trợ khách du lịch (cửa hàng Hồ Gươm Audio - Video Hà Nội cũ), phía sau đền Bà Kiệu, sau biển thông tin điện tử và tượng đài Cảm tử. Phương án 2 là dịch chuyển vị trí cửa lên xuống số 4 ra phố Hàng Dầu để tránh xâm phạm vào vùng bảo vệ I của di tích đền Bà Kiệu.
Phối cảnh kiến trúc lối lên xuống số 4, khu vực phía sau tượng đài Cảm tử và đền Bà Kiệu. Nguồn: MRB.
Tuy nhiên, một phần thân ga C9 và cửa lên xuống số 3 nằm trong khu vực bảo vệ II của danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử quốc gia hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Do đó, tuy đã chấp thuận phương án tổng thế mặt bằng, nhưng lo ngại công trình ảnh hưởng đến Tháp Bút và cảnh quan hồ Hoàn Kiếm nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị nghiên cứu dịch chuyển thân ga C9 về phía lòng đường phố Đinh Tiên Hoàng.
Cuối năm 2017, phương án bố trí mặt bằng ga ngầm C9 đã được đưa ra lấy ý kiến tại buổi làm việc giữa UBND TP Hà Nội và các nhà khoa học, sử học, kiến trúc sư. Thời gian tới, thông tin về vị trí, quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 cũng sẽ được trưng bày tại các địa điểm công cộng để lấy ý kiến người dân.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 có điểm đầu tại Khu đô thị Nam Thăng Long (CIPUTRA), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt -Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên đường Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).
Theo phương án đã phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km (đoạn trên cao khoảng 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km). Khu Depot rộng 17,5 ha tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Toàn tuyến có 10 nhà ga, gồm 3 ga trên cao và 7 ga ngầm.
Tổng đầu tư của dự án khoảng 131 tỷ Yên Nhật, tương đương 19.556 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.