Bộ Công Thương khuyến nghị người dân, doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (ảnh: Internet) |
Theo ông Tuấn, lần điều chỉnh giá điện ngày 20/3 có tính toán chi phí tác động, còn mức độ ảnh hưởng đến nền kinh tế chung là dựa trên số liệu tính toán vĩ mô của Tổng cục Thống kê.
Về tác động, với các hộ gia đình, theo ông Tuấn, giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện chia theo 6 bậc thang. Khi giá điện tăng 8,36%, khách hàng hộ gia đình sử dụng dưới 50 kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng/tháng; khách hàng sử dụng 50 - 100 kWh sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng/tháng; từ 100 - 200 kWh phải trả thêm 31.600 đồng; 200 - 300 kWh phải trả thêm khoảng 53.100 đồng/tháng....
"Tuy nhiên, ở nước ta, khách hàng sử dụng điện ở mức thấp chiếm tỷ lệ rất cao. Thống kê cho thấy, sơ bộ trong khoảng 25 triệu khách hàng sinh hoạt, số khách hàng sử dụng dưới 100 kWh vẫn chiếm đa số (35,6%), trong khi lượng dùng trên 300 kWh/tháng chưa đến 15% và trên 400 kWh/tháng chỉ hơn 7%", ông Tuấn nói.
Với các hộ sản xuất sử dụng nhiều điện như lĩnh vực sắt thép, xi măng… cũng sẽ có tác động khi giá điện điều chỉnh tăng 8,36%.
“Qua phân tích cơ cấu sử dụng điện của các khách hàng phải chi trả tiền điện lớn cho thấy, họ thường sử dụng điện vào giờ cao điểm, còn giờ thấp điểm lại dùng ít”, ông Tuấn nêu nguyên nhân và đưa ra khuyến nghị đối với các hộ sản xuất: Hiện chúng ta đã có quy định rất rõ về khung giá ở những giờ cao điểm, thấp điểm, mức giá này có sự chênh lệch nhau. Theo đó, khi các hộ sản xuất kinh doanh hợp lý theo khung giờ này cũng như áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện sẽ giảm được mức chi trả tiền điện.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Điều tiết điện lực cũng nêu thêm một số giải pháp giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí khi sử dụng điện như: Đẩy mạnh sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng điện; đầu tư khoa học công nghệ nâng cao năng suất; sản xuất vào giờ thấp điểm...