Gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan cho Quốc Cường Gia Lai vay hàng trăm tỷ đồng

Con trai đã rút khỏi vai trò lãnh đạo nhưng gia đình bà Loan vẫn còn nhiều "duyên nợ" với Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã CK: QCG) vừa thông qua đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Quốc Cường với hai chức danh là thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 và Phó tổng giám đốc. Ông Cường sinh năm 1982, là con bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc QCG.

Việc rút lui hoàn toàn khỏi các chức danh liên quan đến QCG của con trai Chủ tịch HĐQT diễn ra trong bối cảnh hoạt động của công ty đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vụ mua hụt đất công và những vướng mắc xoay quanh Khu dân cư Phước Kiển. Tuy nhiên, động thái này không làm giảm bớt "duyên nợ" giữa gia đình Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan và Quốc Cường Gia Lai khi công ty này vẫn đang vay hàng trăm tỷ đồng từ gia đình bà Loan.

Một góc khu đất 32 ha Quốc Cường Gia Lai mua "hụt" của công ty trực thuộc Thành ủy. 

So với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tỷ lệ vay nợ ngân hàng của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã CK: QCG) thuộc nhóm thấp khi chỉ chiếm chưa tới 5% tổng nguồn vốn. Tuy nhiên, khoản phải trả các bên liên quan, chủ yếu là vay từ những thành viên ban lãnh đạo, lên tới gần 2.300 tỷ đồng, tương đương gần 20% tổng nguồn vốn. Trong số này, phần lớn là các khoản vay liên quan đến gia đình Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Như Loan.

Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm, Quốc Cường Gia Lai đang "mượn" hơn 1.400 tỷ đồng từ các cá nhân. Trong đó, riêng những người thân trong gia đình Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan đã là chủ nợ của hàng trăm tỷ đồng.

Bà Loan đang cho QCG vay 251 tỷ, em ruột bà Loan - Nguyễn Thị Ánh Nguyệt cho vay 360 tỷ, con gái bà Loan - Nguyễn Ngọc Huyền My cho mượn hơn 147 tỷ, ông Hồ Viết Mạnh - em rể bà Loan - cũng cho công ty vay hơn 45 tỷ đồng. Hai cá nhân liên quan đến thành viên HĐQT Lại Thế Hà cũng cho Quốc Cường Gia Lai vay hơn 400 tỷ đồng.

Nếu không xét đến câu chuyện nguồn vốn hoạt động, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp này cũng kém sáng sủa. Kết quả kinh doanh quý III của đơn vị này cho thấy những con số ảm đạm nhất trong vòng 2 năm qua. Lợi nhuận ròng chỉ đạt chưa đầy 1,3 tỷ đồng, giảm 130 lần so với cùng kỳ năm trước. Mức lợi nhuận cực kỳ khiêm tốn nếu so với vốn chủ sở hữu trên 4.000 tỷ đồng và tổng tài sản trị giá gần 12.400 tỷ.

Nguyên nhân kết quả kinh doanh sụt giảm được công ty giải thích là trong kỳ không bàn giao dự án nào nên chưa ghi nhận được doanh thu. Đồng thời doanh nghiệp cũng không có khoản thu nhập đáng kể nào từ việc đầu tư tài chính. Tình trạng này tương tự với quý trước đó (quý II), thời điểm họ vướng vụ lùm xùm mua hụt 30 ha đất công của Công ty Tân Thuận.

Cộng dồn lợi nhuận ròng của công ty trong 9 tháng qua chỉ mới đạt trên 40 tỷ đồng, còn cách rất xa kế hoạch lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đã thông qua từ đầu năm.

Tính đến ngày 30/9/2018, tổng giá trị tồn kho của công ty ghi nhận 7.296 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án bất động sản đang xây dựng. Dự án trọng điểm của công ty trong một thập kỷ qua, Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM, chiếm tỷ trọng tồn kho lớn nhất, ước tính trị giá hơn 4.800 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục