Giải ngân đầu tư công 7 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ 2022 80,78 nghìn tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/7/2023 là 267,63 nghìn tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (34,47%), về số tuyệt đối cao hơn 80,78 nghìn tỷ đồng.
Ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/7/2023 là 267,63 nghìn tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Nhã Chi
Ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/7/2023 là 267,63 nghìn tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Nhã Chi

Có 8 bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40%. Trong đó, một số cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (63,38%), Bộ Quốc phòng (45,15%), Hải Phòng (73,33%), Đồng Tháp (61,74%), Tiền Giang (60,39%), Tây Ninh (60,04%).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, đây là tháng thứ 2 liên tiếp tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2022, cả về tỷ lệ và số vốn giải ngân, cho thấy các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng ban hành, hoạt động của 5 tổ công tác và sự vào cuộc của các cấp, ngành trên cả nước đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, qua rà soát, so với khối địa phương, các bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá thấp, nhiều đơn vị không có chuyển biến về tỷ lệ giải ngân qua các tháng. Cụ thể, 43 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 32 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%, một số đơn vị giải ngân dưới 3%.

Về phân bổ vốn, đến ngày 30/7/2023, số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 61.766,044 tỷ đồng, chiếm 8,7% kế hoạch Thủ tướng giao, trong đó vốn ngân sách trung ương là 23.828 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 37.937 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục