Giảm bớt thủ tục hành chính trong khai thác khoáng sản cho các công trình trọng điểm quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Mặc dù có cơ chế đặc thù cho phép rút ngắn thủ tục khai thác các mỏ vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) để đáp ứng nhu cầu vật liệu của các dự án đường bộ cao tốc nhưng hiện vẫn có nhiều khó khăn vướng mắc. Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện chỉ đạo về vấn đề này, cùng với đó, Bộ TN&MT đang trong quá trình hoàn tất việc xây dựng bổ sung khung pháp lý về khai thác khoáng sản làm VLXDTT phục vụ các công trình, dự án quan trọng quốc gia.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Để đạt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên tối đa nguồn lực đầu tư phát triển các dự án đường bộ cao tốc. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết trong đó có các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho phép rút ngắn các thủ tục khai thác các mỏ VLXDTT, nâng công suất các mỏ cát đang khai thác để đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu của các dự án.

Tuy nhiên, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được khởi công từ ngày 1/1/2023 nhưng đến nay tại một số gói thầu còn vướng mắc về nguồn VLXDTT. Hiện UBND các tỉnh mới hoàn tất thủ tục đăng ký khai thác cho 14/51 mỏ đã được Chủ đầu tư, nhà thầu trình. Sau khi hoàn thiện các thủ tục xác nhận đăng ký khai thác, các nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận giá chuyển nhượng, đền bù với người dân khu vực mỏ khai thác vật liệu xây dựng; điều này làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thi công của nhà thầu.

Mới đây, để bảo đảm tiến độ, chất lượng Dự án, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 573/CĐ-TTg ngày 21/6/2023 về việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng VLXDTT cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đưa ra yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có Dự án đi qua và có mỏ VLXDTT nằm trong hồ sơ Dự án khẩn trương kiểm tra các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác khai thác mỏ mới và nâng công suất các mỏ VLXDTT đang khai thác phục vụ Dự án; Chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương khẩn trương giải quyết các thủ tục đăng ký khai thác đã được các Nhà thầu trình theo đúng hướng dẫn của Bộ TN&MT. Đồng thời không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện, thủ tục hành chính gây khó khăn vướng mắc cho các nhà thầu, chủ đầu tư.

Song song với các giải pháp tháo gỡ từ phía Chính phủ, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có hồ sơ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản gửi Bộ Tư pháp để thẩm định. Trong đó, một trong những định hướng cơ bản trong Dự thảo Nghị định là hoàn thiện các quy định liên quan đến các thủ tục về cấp phép hoạt động khoáng sản; đặc biệt Nghị định này đã bổ sung quy định (Điều 53b) về quản lý hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXDTT phục vụ cho các công trình, dự án quan trọng quốc gia theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này.

Theo đó, việc khai thác khoáng sản làm VLXDTT nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ công trình, dự án, quan trọng quốc gia không phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo các Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, đối với khu vực chưa có Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản thì tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư hoặc nhà thầu thi công dự án được ưu tiên lựa chọn để khai thác khoáng sản làm VLXDTT phục vụ dự án không thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và không phải thực hiện các thủ tục về Giấy phép thăm dò khoáng sản, đánh giá tác động môi trường, Giấy phép môi trường, Giấy phép khai thác khoáng sản; Nhà đầu tư, nhà thầu được thuê hoặc hợp tác với đơn vị khác để khai thác khoáng sản làm VLXDTT, nhưng phải bảo đảm khoáng sản sau khai thác chỉ được cung cấp cho công trình, dự án quan trọng quốc gia đó.

Đối với khu vực khoáng sản làm VLXDTT đã được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, còn thời hạn khai thác được nâng công suất khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) không quá 50% đối với cát, sỏi lòng sông, cửa biển và không hạn chế đối với khoáng sản làm VLXDTT khác theo nhu cầu của công trình, dự án. Không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản điều chỉnh, không phải thực hiện các thủ tục về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản khi nâng công suất theo quy định tại điểm a khoản này; được điều chỉnh số lượng phương tiện, thiết bị của các khâu công nghệ cho phù hợp với công suất khai thác được điều chỉnh.

Theo Bộ TN&MT, đề xuất: “Tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư hoặc nhà thầu trực tiếp thi công dự án được ưu tiên lựa chọn để khai thác khoáng sản làm VLXDTT phục vụ dự án không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản và không phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, thủ tục về đánh giá tác động môi trường, Giấy phép môi trường, Giấy phép khai thác khoáng sản” là phù hợp với khoản 1 Điều 30 và khoản 3 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, miễn giấy phép môi trường). Ngoài ra, do yêu cầu cấp bách về tiến độ thực hiện của các công trình, dự án quan trọng quốc gia và thực hiện theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ TN&MT đề xuất phương án rút gọn và giảm bớt thủ tục hành chính như Điều 53b của Dự thảo.

Tin cùng chuyên mục