Giảm thuế để hỗ trợ DN chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19: Phải trúng và đúng đối tượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Phiên thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác (sau đây gọi chung là DN), diễn ra ngày 11/6, các đại biểu đều ủng hộ chủ trương cần có Nghị quyết này. Để chính sách hỗ trợ của Nhà nước không bị dàn trải, cào bằng, nhiều đại biểu cho rằng việc xác định tiêu chí hỗ trợ trúng và đúng là rất quan trọng.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ đã phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động. Ảnh: Lê Tiên
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ đã phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động. Ảnh: Lê Tiên

Hỗ trợ để “cứu” DN

Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết, do dịch Covid-19 thời gian qua, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn; hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ. DN có quy mô nhỏ đã phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động, tác động không nhỏ đến nền kinh tế và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, để các DN quy mô nhỏ có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh,vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần đạt mục tiêu cao nhất về tăng trưởng kinh tế của năm 2020 thì cần kịp thời trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020, và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.

Theo đó, Nghị quyết áp dụng đối với người nộp thuế TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN, bao gồm: DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) nêu quan điểm: “Tôi hoàn toàn thống nhất với việc cần thiết ban hành Nghị quyết giảm thuế thu nhập đối với DN, hợp tác xã và các đối tượng bị ảnh hưởng theo đúng mục tiêu là hướng tới nhóm đối tượng thực sự khó khăn, cần hỗ trợ trong giai đoạn dịch Covid-19”.

Cũng tán thành đề xuất của Chính phủ, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Dự báo, DN sẽ có nhiều khó khăn vào quý III khi nhiều DN hiện chỉ có đơn hàng đến tháng 6. “Vì vậy, đây là chủ trương hết sức đúng đắn”, ông Cường nói. 

Tránh hỗ trợ dàn trải, cào bằng

Về tiêu chí xác định DN có quy mô nhỏ được giảm thuế TNDN, Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Với tiêu chí này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) bày tỏ: “Chỗ này tôi băn khoăn vì một DN nếu doanh thu dưới 50 tỷ đồng nhưng có trên 100 lao động, chẳng hạn là 200 lao động, họ sẽ khó khăn hơn DN có doanh thu dưới 50 tỷ đồng và dưới 100 lao động. Trong khi đó, DN có doanh thu dưới 50 tỷ đồng nhưng trên 100 lao động sẽ khó khăn hơn rất nhiều lại không được hỗ trợ. Vì thế, chúng ta cần hỗ trợ đúng đối tượng khó khăn”, ông Ngân bày tỏ và cho rằng, có thể lấy một tiêu chí duy nhất là doanh thu để  hỗ trợ.

Ủng hộ đề xuất của ông Ngân, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) nhấn mạnh, chúng ta chỉ nên xác định 1 tiêu chí để hỗ trợ DN. Bà Thúy cho biết, hiện trên địa bàn TP.HCM, tỷ lệ người lao động bị mất việc rất lớn. Hầu hết các DN trên địa bàn găp khó khăn, không có đơn hàng mới, sản xuất cầm chừng. Nếu DN nào không cắt giảm lao động tức là người sử dụng lao động đang rất cố gắng để duy trì sản xuất…

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) thì cho rằng, Nghị quyết cần tính toán để quy định cho đúng đối tượng, đúng tiêu chí thực sự khó khăn, phải giảm doanh thu hoặc giảm lợi nhuận so với năm 2019 thì mới được hỗ trợ.

Cũng tại Phiên thảo luận, một số đại biểu khác nhấn mạnh không chỉ hỗ trợ DN nhỏ và vừa mà còn phải rất chú ý đến những lĩnh vực có tiềm năng và những dự án trọng điểm, các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Khi thúc đẩy, hỗ trợ được những DN tiềm năng, dự án trọng điểm sẽ tạo ra sự lan toả với DN vừa và nhỏ cũng như đối với nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục