Giao mặt bằng sớm để nhà thầu không phải mỏi mòn đợi thi công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong năm 2021, TP. Biên Hòa có 10 dự án trọng điểm được triển khai, gồm: Xây dựng Trung tâm Hành chính công TP. Biên Hòa; Nâng cấp, mở rộng đường Võ Thị Sáu; Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm; Trường THCS Tân Phong… Trong thời gian qua, để đảm bảo tiến độ thi công các dự án nói trên, chủ đầu tư và nhà thầu đã phải giải quyết rất nhiều khó khăn.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa (Đồng Nai)

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa (Đồng Nai)

Tuy nhiên, nhờ sự linh động, thích ứng nhanh với hoàn cảnh, đặc biệt, quán triệt mạnh mẽ tinh thần thi công 3 tại chỗ, có thể nói, đến nay, tiến độ thi công cũng như giải ngân của các công trình đều đáp ứng yêu cầu.

Theo báo cáo của các chủ đầu tư, đến ngày 31/12/2021, các dự án như: Nâng cấp, mở rộng đường Võ Thị Sáu, Công trình xây dựng Trung tâm Hành chính công TP. Biên Hòa, 2 trường THCS sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, một trở ngại lớn đối với các công trình xây dựng hiện nay chính là giải phóng mặt bằng (GPMB). Địa phương đã bị “đóng băng" gần 2 quý trong năm do áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nên công tác này bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Do đó, không thể tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, vận động hay tuyên truyền để người dân bị ảnh hưởng của dự án hiểu và đồng thuận với chính sách nhà nước khi đền bù, GPMB. Không bàn giao mặt bằng đúng tiến độ thì các công trình, dự án không thể thi công và tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công sẽ bị chậm trễ, cũng ảnh hưởng rất lớn đến các nhà thầu. Nhà thầu đã huy động nhân lực, phương tiện để sẵn sàng thi công nhưng đành án binh bất động, hoặc thi công theo kiểu xôi đỗ, phát sinh nhiều khó khăn, chi phí.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ thi công, gỡ khó cho các nhà thầu, TP. Biên Hòa nhanh chóng triển khai các biện pháp phù hợp với tình hình mới nhưng vẫn tuân thủ quy định. Theo đó, Chính quyền sẽ chủ động gửi phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đến từng hộ dân bị ảnh hưởng của từng dự án. Việc chi trả, bồi thường sẽ được Thành phố tiến hành tại hộ gia đình trong diện nhận đền bù, giải tỏa. Có như vậy, sự đồng thuận của người dân mới cao, đẩy nhanh tiến độ GPMB, chấm dứt cảnh người và phương tiện của nhà thầu nằm đợi để được thi công.

Với cách làm trên, chúng tôi hi vọng tỷ lệ giải ngân đầu tư công của địa phương sẽ đạt 100% theo yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục