Gỡ vướng cho phát triển điện mặt trời mái nhà

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hệ thống điện mặt trời mái nhà đang được Chính phủ khuyến khích đầu tư, nhưng nhiều trường hợp chưa thể ký hợp đồng và thanh toán tiền điện mua từ hệ thống.
Nhiều hệ thống điện mặt trời chưa thể ký hợp đồng và thanh
toán tiền điện. Ảnh: Trung Thành
Nhiều hệ thống điện mặt trời chưa thể ký hợp đồng và thanh toán tiền điện. Ảnh: Trung Thành

Trong một văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện còn nhiều trường hợp đang gặp vướng mắc về phân định hệ thống điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời mặt đất nối lưới, cần sự vào cuộc tháo gỡ của cơ quan có thẩm quyền.

Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến ở tỉnh Ninh Thuận rộng trên 20 ha được UBND huyện Ninh Phước cấp phép kinh doanh với ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Chủ trang trại đang cho 12 công ty khác thuê lại đất và hạ tầng để canh tác, kết hợp lắp đặt các hệ thống điện mặt trời có công suất dưới 1 MW, đấu nối điện áp 22 kV phục vụ nhu cầu sản xuất và bán điện lên lưới quốc gia. Tuy nhiên, đến nay, mới có 2/12 hệ thống điện mặt trời có tấm pin quang điện lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng được Công ty Điện lực Ninh Thuận ký hợp đồng trước ngày 30/6/2019 và đã thanh toán tiền điện. Còn 10 hệ thống có các tấm pin quang điện được lắp đặt trực tiếp trên khung đỡ làm mái che cho khu vực đường giao thông nội bộ và trên khung công trình có lớp mái che phủ khu vực canh tác đã được Công ty Điện lực Ninh Thuận lắp đặt công tơ hai chiều để ghi nhận sản lượng phát lên lưới, nhưng chưa thực hiện ký hợp đồng và thanh toán tiền mua điện.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Tiến, chủ Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến cho biết, 10 hệ thống chưa được đơn vị điện lực ký hợp đồng và thanh toán tiền mua điện ảnh hưởng rất xấu, gây khó khăn rất lớn cho Nhà đầu tư. Ông Tiến tính toán, mỗi ngày, Nhà đầu tư phải trả cả tiền gốc và lãi do vay vốn để đầu tư vào hệ thống điện mặt trời là khoảng 150 triệu đồng.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, dự kiến chiều ngày 5/8, Bộ Công Thương sẽ có cuộc làm việc với EVN để bàn hướng tháo gỡ vướng mắc trên tinh thần đúng người, đúng việc, tránh tình trạng lợi dụng chính sách.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp CAS cũng có hệ thống điện mặt trời lắp đặt trực tiếp trên khung đỡ làm mái che cho khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Theo đại diện Nhà đầu tư, việc không sử dụng tấm lợp là để phù hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp bên dưới, giảm sử dụng nước cho phù hợp với cây trồng, vật nuôi bên dưới mái. Hiện Công ty Điện lực Ninh Thuận cũng chưa thể ký hợp đồng và thanh toán tiền điện mua từ hệ thống điện mặt trời nêu trên do chưa xác định được giá mua điện từ hệ thống này là điện mặt trời mái nhà hay điện mặt trời mặt đất theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại văn bản gửi Bộ Công Thương, EVN nhấn mạnh, còn nhiều trường hợp hệ thống điện mặt trời có tính chất tương tự Trang trại Tiên Tiến hay Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp CAS cần tháo gỡ.

Từ vướng mắc của nhà đầu tư, EVN kiến nghị Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) xem xét, sớm hướng dẫn các tiêu chí xác định cụ thể để phân biệt giữa hệ thống điện mặt trời mái nhà và hệ thống điện mặt trời mặt đất nối lưới, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác định giá mua điện đối với các hệ thống điện mặt trời theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Đồng thời, EVN cũng đề nghị Bộ Công Thương giao sở công thương các địa phương kiểm tra, xác định tính phù hợp tiêu chí để các đơn vị điện lực ký hợp đồng mua bán điện với các chủ đầu tư.

Để tháo gỡ vướng mắc này, thông tin với Báo Đấu thầu chiều 4/8, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, dự kiến chiều ngày 5/8, Bộ Công Thương sẽ có cuộc làm việc với EVN để bàn hướng tháo gỡ vướng mắc trên tinh thần đúng người, đúng việc, tránh tình trạng lợi dụng chính sách.

Tin cùng chuyên mục