Dự thảo Luật đề xuất bổ sung, làm rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Ảnh: Nhã Chi |
Phát sinh vướng mắc
Theo quy định tại các điều 30, 31, 32 Luật Đầu tư, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư tùy thuộc vào lĩnh vực, địa điểm, quy mô vốn đầu tư, hình thức sử dụng đất của dự án. Về bản chất, văn bản quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư chỉ là chấp thuận nguyên tắc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về mục tiêu, địa điểm và một số điều kiện khác nhau nhằm bảo đảm việc thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch và làm cơ sở để nhà đầu tư thực hiện các thủ tục triển khai dự án như: giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng, bảo vệ môi trường... Về nguyên tắc, nhà đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án đầu tư của mình. Do đó, quá trình thực hiện quy định đã phát sinh một số vướng mắc, chưa thực sự đảm bảo tính khả thi, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.
Đó là, Luật Đầu tư năm 2014 chưa quy định cụ thể về khái niệm, mục đích, giá trị pháp lý, phạm vi áp dụng của thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dẫn đến quan điểm khác nhau về việc thực hiện thủ tục này.
Hai là, có sự trùng lặp giữa thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và thủ tục quyết định, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép kinh doanh theo quy định của các luật khác. Chẳng hạn như trùng lặp với thủ tục quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở, đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở, đô thị; chồng chéo với thủ tục chấp thuận/cấp giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực hàng không, hàng hải, giáo dục, khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, việc tích hợp xem xét các nội dung về đánh giá tác động môi trường, điều kiện sử dụng đất, công nghệ của dự án đầu tư ngay trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư cũng dẫn đến xung đột về thẩm quyền, thủ tục xem xét các nội dung này theo quy định tại các luật khác nhau và làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục.
Hơn nữa, có ý kiến cho rằng, phạm vi dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư quá rộng. Điều này không chỉ dẫn đến xung đột về phạm vi điều chỉnh giữa các luật, mà còn tạo ra nhiều vướng mắc, lúng túng trong việc áp dụng thủ tục đầu tư phù hợp với từng hình thức đầu tư cũng như nguồn vốn sử dụng.
Luật cũng chưa phân định rõ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tương ứng của Luật Đất đai và Luật Đấu thầu; chưa quy định hợp lý về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư phù hợp với yêu cầu về cải cách hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Làm rõ khái niệm, thống nhất hướng tháo gỡ
Tháo gỡ điểm nghẽn trong quá trình thực hiện những quy định về thẩm quyền, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư năm 2014, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến hoàn thiện đề xuất hướng giải quyết.
Cụ thể, về việc làm rõ khái niệm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung khái niệm chấp thuận chủ trương đầu tư tại Khoản 15a Điều 3 để làm rõ mục đích, bản chất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, đồng thời, sửa đổi khái niệm tương ứng tại các điều khoản có liên quan. Theo đó, chấp thuận chủ trương đầu tư là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư về mục tiêu, địa điểm, tiến độ và các điều kiện khác nhằm bảo đảm việc thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ và làm cơ sở để nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Luật đề xuất bổ sung Điều 26b để làm rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, gồm: đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật về đất đai; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật về đấu thầu; chấp thuận chủ trương theo Luật Đầu tư. Đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 31 Luật Đầu tư theo hướng loại bỏ một số dự án đầu tư thuộc diện phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định. Đó là: dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên; các dự án mà điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được quy định cụ thể tại điều ước quốc tế và pháp luật có liên quan.
Cũng nhằm hoàn thiện cơ chế phân cấp, Dự thảo Luật đề xuất phân cấp cho UBND cấp huyện chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án do hộ gia đình, cá nhân thực hiện để thống nhất với thẩm quyền quản lý đất đai của UBND cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai...