Hà Nội có thể phải giãn cách xã hội thêm 7 ngày sau 6/9. Ảnh TTXVN |
Sáng 1/9, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn phức tạp, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, đặc biệt là việc hình thành các chùm ca bệnh, các 'ổ dịch' trên địa bàn.
Theo ông Tuấn, hiện nay, khu vực 'ổ dịch' trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung mới trải qua gần 10 ngày, và ít nhất phải sau 14 ngày mới có thể ổn định được tình hình.
"Chúng tôi cũng đã có kiến nghị giảm bớt lượng người trong khu vực phong toả. Việc này sẽ do chính quyền địa phương thực hiện. Ví dụ như có 2 hộ dùng chung một nhà vệ sinh thì di dời đi một hộ, đó là cách để giảm, hạn chế tiếp xúc và lây nhiễm", ông Tuấn tư vấn, nhưng cũng cho rằng, việc bố trí, sắp xếp khu vực di dời cho người dân cũng cần tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng.
Theo ông Tuấn, hiện nay, một số khu vực 'ổ dịch' trên địa bàn thành phố đã giảm mức độ nguy hiểm như khu Văn Chương, Văn Miếu (quận Đống Đa). Tuy nhiên, một số khu vực như chùm ca bệnh ở Lê Trọng Tấn (Khương Mai, Thanh Xuân) lại tiềm ẩn yếu tố phức tạp.
"Thậm chí chủ cửa hàng khi có biểu hiện bệnh thì không đi thăm khám, mà vẫn bán hàng cho khách, như vậy có nguy cơ rất cao lây nhiễm cho nhiều người", ông Tuấn nói.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội cũng thêm một lần nhấn mạnh, quan trọng nhất lúc này là ý thức của người dân. Khi có biểu hiện, hoặc thậm chí không có biểu hiện triệu chứng bệnh, nhưng cảm thấy có yếu tố liên quan đến COVID-19, cần thông báo để được xét nghiệm miễn phí.
"Cũng có người nói, sợ đi xét nghiệm chẳng may lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, dù có trường hợp đó xảy ra, thì cũng đảm bảo an toàn được cho gia đình, người thân, cộng đồng. Mỗi người cần cân nhắc lợi, hại của việc khai báo y tế, xét nghiệm để phát hiện nguy cơ mắc COVID-19", ông Tuấn nêu.
Ông Tuấn cho rằng, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn khá căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Nếu không bóc tách triệt để được các F0 ở cộng đồng thì rất nguy hiểm. Việc thực hiện giãn cách xã hội, cách ly giữa người với người phải được thực hiện nghiêm túc.
"Thành phố có lẽ phải duy trì giãn cách xã hội thêm ít nhất là 7 ngày, hoặc cũng có thể dài hơn để đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Bây giờ nếu không giãn cách nữa thì không thể phòng, chống dịch bệnh. Tất nhiên, việc này Thành uỷ và UBND thành phố sẽ quyết định, xem xét dựa trên cả yếu tố phát triển kinh tế xã hội của thành phố", ông Tuấn nói.
Để phòng, chống dịch COVID-19, thành phố Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, giãn cách xã hội toàn thành phố kể từ 6h ngày 24/7. Thời gian dự kiến thực hiện trong vòng 15 ngày, tuy nhiên, do tình trạng phức tạp của dịch bệnh, thành phố Hà Nội đã hai lần gia hạn việc giãn cách xã hội, lần lượt đến 23/8 và ngày 6/9.