Cùng với đầu tư hệ thống hạ tầng dẫn khí, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo hoạt động kinh doanh khí cạnh tranh và minh bạch trong thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên |
Thông tin sơ bộ về hiện trạng hạ tầng dự trữ, vận chuyển và chế biến khí của Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương cho biết, nước ta đã hình thành hệ thống kho chứa cùng đường ống vận chuyển khí thiên nhiên, đảm bảo cung cấp cho nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp.
Hệ thống đường ống vận chuyển khí thiên nhiên với các đường ống từ các mỏ ngoài khơi vào nhà máy xử lý khí (đường ống Thái Bình - Tiền Hải dài 24 km; đường ống Bạch Hổ - Dinh Cố dài 116 km...); các nhà máy xử lý khí (Dinh Cố, Nam Côn Sơn, GPP Cà Mau); các tuyến ống dẫn khí từ nhà máy xử lý khí đến các trạm phân phối khí… Về hệ thống kho chứa, cả nước có tổng cộng 53/63 tỉnh thành có kho/trạm khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).
Tuy nhiên, ông Giang nhấn mạnh, hiện trạng hạ tầng này vẫn còn hạn chế. Đơn cử, về hệ thống kho chứa LPG, quy mô hệ thống kho cảng LPG chủ yếu là kho cảng nhỏ, năng lực nhập hàng hạn chế. Điều này bắt nguồn từ việc khí LPG được sử dụng chủ yếu cho dân dụng, các ứng dụng từ sản phẩm LPG còn thấp dẫn đến sản lượng tiêu thụ rất thấp.
Về kho LNG, ở Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng, vận hành, trong khi cần vốn đầu tư lớn. Bên cạnh đó, việc xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ kho LNG đến các khách hàng công nghiệp và dân dụng cũng gặp nhiều khó khăn về quy hoạch do thiếu đồng bộ khi các khu công nghiệp được quy hoạch chưa tính đến dành hành lang cho tuyến ống dẫn khí đốt.
Trao đổi bên lề Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas), Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, để xây dựng thị trường khí Việt Nam cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả thì đầu tư hạ tầng phải đi trước, có hạ tầng sẽ có thị trường.
Đề cập về cơ hội thị trường khí Việt Nam thời gian tới, các ý kiến tại Diễn đàn cho rằng, thị trường khí là một trong những thị trường để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong khi đó, hiện công nghệ cho tìm kiếm khai thác vẫn phức tạp, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, đặc biệt chịu ảnh hưởng lớn từ sự biến động của thị trường dầu khí thế giới dưới tác động của các yếu tố chính trị cũng như xu hướng chuyển dịch năng lượng xanh.
Ông Giang cho biết, thời gian tới, hạ tầng tồn trữ của các kho LPG phải đạt quy mô khoảng 3,5 - 4,0 triệu tấn/năm vào năm 2025 và khoảng 4,5 - 5,0 triệu tấn/năm vào năm 2035, đảm bảo đáp ứng yêu cầu dự trữ tối thiểu đạt trên 15 ngày cung cấp. Để đáp ứng nhu cầu này, cần định hướng xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ trạm chế biến khí trên bờ và kho LNG đến các khách hàng công nghiệp và dân dụng, đặc biệt quan tâm phát triển mạng tuyến ống khí thấp áp đến các nhà máy, sân bay, bệnh viện, khách sạn lớn, trường học. Đồng thời, sớm nghiên cứu tuyến ống khí kết nối Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, xây dựng thêm các trạm phân phối khí thiên nhiên, các trạm chiết nạp LPG...
Để đáp ứng được nhu cầu sử dụng khí trong nước, ông Đặng Hải Anh, thuộc Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương nêu quan điểm, Việt Nam phải mở rộng các hoạt động tìm kiếm và thăm dò để cung cấp thêm trữ lượng và sản lượng khai thác ở các khu vực tiềm năng, sâu và xa bờ nhằm đáp ứng kế hoạch phát triển công nghiệp khí giai đoạn tới. Đồng thời, phát triển công nghiệp khí đốt, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ hết LNG, đảm bảo khả năng nhập khẩu 8 tỷ m3 LNG vào năm 2030 và 15 tỷ m3 vào năm 2045.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại Diễn đàn cũng đề xuất cần hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo hoạt động kinh doanh khí cạnh tranh và minh bạch trong thời gian tới, trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thu hút các nguồn vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào hoạt động kinh doanh khí.
Trao đổi bên lề Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas), Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, để xây dựng thị trường khí Việt Nam cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả thì đầu tư hạ tầng phải đi trước, có hạ tầng sẽ có thị trường. Tuy nhiên, ông Bình lưu ý, do đây không phải là thị trường hàng hóa thông thường nên cần phải có sự sàng lọc nhà đầu tư, qua đó chọn được những nhà đầu tư thực sự có năng lực phù hợp.
“Nếu coi thị trường khí là thị trường hàng hóa thông thường thì có thể không chọn được nhà đầu tư có năng lực nên có thể gây rủi ro rất lớn trong quá trình phát triển ”, ông Bình nhấn mạnh.