Ngày 24/07/2018, 150.000.000 cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Hải Phát chính thức được niêm yết trên HOSE. Ảnh: st |
Lợi nhuận 2017 tăng trưởng đột biến, vốn điều lệ của doanh nghiệp này cũng tăng lên đáng kể để thực hiện các dự án. Động thái đáng chú ý nhất của Hải Phát Invest là thương vụ mua lại HP Hospitality Nha Trang - đơn vị sở hữu Dự án TM1 Cồn Tân Lập Nha Trang.
Thương vụ “khủng”
Theo bản cáo bạch, Hải Phát Invest đã tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (450 tỷ đồng) và chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược (300 tỷ đồng). Việc tăng vốn “khủng” của Hải Phát Invest nhằm thực hiện các dự án tại Bắc Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang.
Do tăng vốn điều lệ, số lượng cổ phiếu HPX đã tăng từ 75 triệu lên 150 triệu cổ phiếu. Trong đó, Chủ tịch Đỗ Quý Hải và người nhà nắm giữ tới 77.955.760 cổ phiếu HPX, tương đương 51,97% vốn điều lệ. Ngoài ra, còn một cổ đông lớn khác là VietNam Enterprise Investments Limited với quy mô sở hữu 13.090.910 cổ phiếu HPX, tương đương 8,73% vốn điều lệ.
Trong năm 2017, một phần vốn lớn của Hải Phát Invest đã được sử dụng để mua lại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang. Cụ thể, Hải Phát Invest đã mua lại 75% vốn điều lệ của HP Hospitality Nha Trang (tương đương 169,5 tỷ đồng) với trị giá 483,2 tỷ đồng theo Hợp đồng số 17/2017/HĐCN ngày 28/9/2017. Chênh lệch giữa giá trị khoản đầu tư 483,2 tỷ đồng và giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được của HP Hospitality Nha Trang tại ngày mua lên tới 404 tỷ đồng. Đây là khoản lợi thế thương mại và sẽ được Công ty phân bổ đều vào chi phí trong 10 năm kể từ tháng 10/2017.
Điều đáng nói là, tại thời điểm mua lại HP Hospitality Nha Trang, vốn điều lệ thực góp của tại công ty này mới chỉ có 79,2 tỷ đồng và 100% do Hải Phát Invest góp. Bản cáo bạch của Hải Phát Invest có nêu: “Vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang thực góp đến thời điểm 31/12/2017 là 79,2 tỷ đồng, là phần đã góp của Công ty CP Đầu tư Hải Phát, do đó vốn thực tế Công ty CP Đầu tư Hải Phát chiếm 100%, còn trên đăng ký kinh doanh là 75%”.
Vậy có khi nào Hải Phát Invest đã “tự diễn” trong thương vụ mua lại HP Hospitality Nha Trang? Một số vấn đề đáng quan tâm khác là HP Hospitality Nha Trang có gì để Hải Phát Invest chi ra số tiền lớn đến như vậy và Hải Phát Invest làm thế nào để sở hữu 75% vốn của công ty này?
Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang
Tuy nhiên, theo giấy thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ nhất ngày 27/9/2017, Sông Đà Nha Trang chỉ còn nắm giữ 25% và Sông Đà Thăng Long đã tăng tỷ lệ sở hữu lên 75% để nắm quyền chi phối. Và chỉ sau 2 ngày, Hải Phát Invest đã nhận chuyển nhượng lại 75% vốn góp của HP Hospitality Nha Trang từ Sông Đà Thăng Long với giá 483,2 tỷ đồng, gấp 6 lần vốn thực góp của công ty này. Như vậy cũng nên đặt ra câu hỏi, Sông Đà Nha Trang đã nhận được bao nhiêu khi bán 35% vốn góp của HP Hospitality Nha Trang cho Sông Đà Thăng Long?
Theo tìm hiểu của Báo Đấu Thầu, tại thời điểm thành lập, người đại diện theo pháp luật và kiêm Chủ tịch HĐTV của HP Hospitality Nha Trang là ông Phạm Minh Tuấn - hiện đang là thành viên HĐQT của Công ty CP Đầu tư Hải Phát. Ngoài ra, ông Đoàn Hòa Thuận, hiện giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc thường trực của Công ty CP Đầu tư Hải Phát, đã nhiều năm công tác tại các công ty con của Tổng công ty Sông Đà, trong đó có cả Sông Đà Thăng Long. Hải Phát Invest cũng đã nhận chuyển nhượng Dự án HPC Landmark 105 (CT2 - 105 Usilk City) tại Khu đô thị Văn Khê mới từ Sông Đà Thăng Long.