Quý I/2018, dù doanh thu tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế của Halico vẫn âm 8,5 tỷ đồng. Ảnh: Tường Lâm |
Mức giá này thấp hơn rất nhiều so với con số 213.000 đồng mà đại gia ngoại Diageo đã từng bỏ ra để sở hữu 1 cổ phần của nhà sản xuất rượu hơn 100 tuổi này trong giai đoạn 2011 - 2012.
Từng được định giá 213.000 đồng/CP
Công ty CP Cồn rượu Hà Nội (Halico) tiền thân là Nhà máy Rượu Hà Nội do Hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898. Trong lịch sử hơn 100 năm của mình, Nhà máy đã trải qua không ít thăng trầm: Từ thời nấu rượu cho Tây, sau đó là sản xuất cồn phục vụ kháng chiến chống Pháp - Mỹ và khoảng thời gian dài sản xuất - kinh doanh thời bao cấp. Ngày 6/12/2006, Công ty chính thức chuyển đổi hình thức hoạt động từ công ty TNHH Nhà nước một thành viên sang công ty cổ phần.
Năm 2011, thị trường chứng kiến một thương vụ đình đám khi một tập đoàn lớn đến từ Anh là Diageo đã bỏ ra 1.281 tỷ đồng để sở hữu 30% cổ phần của Halico (tương đương 213.600 đồng/CP). Đây là tập đoàn hoạt động trong ngành đồ uống có cồn hàng đầu thế giới, sở hữu nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng như Johnnie Walker, Bailey, Smirnoff... Năm 2011 cũng là thời điểm thị trường chứng khoán trầm lắng và hiếm có thương vụ bán vốn cho nước ngoài.
Lý giải về việc Diageo bỏ ra một số tiền lớn để mua cổ phần Halico, nhiều nhà đầu tư cho rằng có thể Diageo muốn thông qua công ty này để đưa các sản phẩm khác của mình thâm nhập thị trường đồ uống lên tới 90 triệu dân của Việt Nam.
Vào tháng 6/2012, Tập đoàn Diageo tiếp tục chi ra khoảng 14 triệu bảng Anh (tương đương 21,8 triệu USD) để mua 10,6% cổ phần của Halico với giá mua không đổi ở mức 213.600 đồng/CP, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại Halico từ 34,97% lên 45,57%, trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau Habeco (sở hữu). Với mức giá như vậy, lúc đó Halico có vốn hóa lên tới gần 4.300 tỷ đồng. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của Diageo và Habeco là không thay đổi. Toàn bộ số cổ phần của Diageo tại Halico do Streetcar Investment Pte Ltd (công ty con của Diageo) đứng tên nắm giữ.
“Cõng” thêm khoản lỗ lũy kế hơn 250 tỷ đồng khi lên sàn
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của Halico đạt lần lượt là 126,5 tỷ đồng và 14,8 tỷ đồng, giảm tương ứng 53% và 78% so với năm 2016. Với kết quả này, biên lợi nhuận gộp năm 2017 của Halico chỉ đạt 11,7%, thấp hơn nhiều so với con số 24,8% đạt được năm 2016.
Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh không phải là nỗi buồn duy nhất của Halico. Hoạt động kinh doanh chính của Công ty cũng không mang lại lợi nhuận. Cụ thể, năm 2017, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Halico âm đến 84,5 tỷ đồng, con số này năm 2016 là âm 21,1 tỷ đồng. Doanh thu không bù đắp nổi chi phí dẫn đến lỗ ròng của Công ty năm 2017 lên tới 84,5 tỷ đồng, năm 2016 lỗ ròng 21,1 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Halico là 250 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh quý I/2018, Công ty cho biết, doanh thu đạt gần 49 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế âm 8,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2017 là âm 22 tỷ đồng.
Lý giải về hoạt động kinh doanh không khả quan, Halico cho biết, sản phẩm của Công ty đang phải cạnh tranh với sản phẩm bia và rượu của nước ngoài, đây là các sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của giới trẻ hiện nay. Thị trường của Halico mặc dù trải dài mọi miền đất nước nhưng lượng tiêu thụ sản phẩm của Công ty không cao. Giá bán sản phẩm của Công ty buộc phải tăng qua các năm do giá cả nguyên vật liệu đầu vào và thuế tiêu thụ đặc biệt tăng. Năm 2018, Công ty dự kiến lỗ tiếp 58 tỷ đồng.