Băm nát khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm
Cần quy định rõ cơ quan xử lý sai phạm ở đây, theo đó không phải là Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng mà chính quyền TP Hà Nội phải vào cuộc. Nếu chính quyền không hành động, mọi kiến nghị của cơ quan thanh tra vẫn chỉ là lời nói. Muốn xử lý triệt để các sai phạm cần có quyết tâm hành động cụ thể, không dừng lại ở việc ban hành văn bản thanh tra.
TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng tại 2 dự án Đại Thanh và CT11, CT12 khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ thiếu một số thí nghiệm kiểm tra chất lượng bê tông cọc khoan nhồi, hồ sơ quản lý chất lượng của dự án thiếu nhiều và lưu trữ không đúng quy định.
Tại các tòa nhà CT8 và CT10 dự án Đại Thanh, dù được xây dựng cao 31 tầng nhưng lại thiếu hệ thống thông gió tầng hầm, hệ thống hút khói hành lang và hệ thống tăng áp thang bộ. Riêng nhà CT10 thi công thiếu khoảng 96/288 cửa chống cháy tại vị trí phòng đệm cầu thang bộ các tầng.
Tương tự, tòa nhà CT11 chủ đầu tư thi công thiếu 40/120 cửa chống cháy tại vị trí phòng đệm thang bộ các tầng. Việc sử dụng vật liệu các tòa nhà chưa sử dụng vật liệu không nung theo quy định tại 2 dự án VP6 Linh Đàm và tổ hợp trung cư thương mại tại ô HH3 thuộc lô CC6 Linh Đàm. Chưa tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy trình bảo trì trước khi nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Khi kinh doanh BĐS, có 4 dự án của DNTN này chưa hoàn thành nghĩa vụ tiền sử dụng đất là dự án Đại Thanh, Kim Văn - Kim Lũ, VP6 Linh Đàm và Tổ hợp chung cư HH3 lô CC6 Linh Đàm. DN này cũng tự ý nhận chuyển nhượng dự án khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại 2 dự án Đại Thanh và HH3 lô CC6 Linh Đàm.
Hợp đồng mua bán nhà tại các dự án Khu đô thị Xa La và dự án Đại Thanh thiếu một số nội dung, như không nêu diện tích thuộc phần sở hữu chung, không có văn bản nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư, không có mức phí quản lý vận hành dự kiến. Đặc biệt, các hợp đồng mua bán nhà chưa quy định kinh phí bảo trì 2% tại 3 dự án Đại Thanh, Kim Văn-Kim Lũ, và dự án VP6 Linh Đàm.
Việc hàng loạt dự án xây vượt tầng, thay đổi diện tích căn hộ, đã làm tăng dân cư tại nhiều khu vực dự án của DTNT Số 1 tỉnh Điện Biên. Tại khu vực bán đảo Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội sau khi các dự án VP6 Linh Đàm, và HH3 lô CC6 Linh Đàm bàn giao hàng ngàn căn hộ cho người dân vào ở đã phá vỡ quy hoạch của bán đảo Linh Đàm, một khu đô thị được coi là kiểu mẫu của Hà Nội, góp phần làm cho tình trạng tắc đường tại khu vực bán đảo Linh Đàm xảy ra thường xuyên và ngày càng trầm trọng.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định sẽ xử lý nghiêm các sai phạm của nhà đầu tư này, nhưng đến nay dường như mọi thứ vẫn án binh bất động.
Tòa nhà CT8 thuộc dự án Đại Thanh.
Phải quyết liệt xử lý vi phạm
Nói về việc phá vỡ quy hoạch đô thị Linh Đàm, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng: “Đây là một trong những dự án được coi là đô thị kiểu mẫu, nhưng đến nay bị băm nát bởi vì hàng loạt bất cập trong quy hoạch đô thị.
Một khu đô thị từng được giải thưởng quốc gia về thiết kế kiểu mẫu, nhưng vài năm trở lại đây cho một DN vào xây dựng nhà giá rẻ với 5ha, xây 12 tòa nhà cao tới 40 tầng với mật độ quá dày. Chúng ta không thể phát triển nhà giá rẻ bằng mọi giá. Ai cho phép ký quy hoạch này. Tôi cho rằng đây là một điều cần phải xem xét”.
Trong khi đó, theo GS. Đặng Hùng Võ, quy hoạch của Hà Nội đang có rất nhiều vấn đề. Trong đó nổi cộm là việc điều chỉnh quy hoạch, gây nên chất tải không gian nhiều nơi quá nặng, hạ tầng không đáp ứng được cho số lượng dân cư tại đó. Quy hoạch đang phát triển theo chiều hướng vì lợi ích tư nhân và nhà đầu tư nhiều hơn là cho lợi ích chung, trong đó có việc xây dựng các chung cư quá lớn, quá cao tầng, làm tăng số lượng dân cư quá lớn so với hạ tầng.
Theo nhiều chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, hiện trong Luật Quy hoạch đô thị có đề cập đến việc tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị nhưng chỉ là những nét lớn, không chi tiết được. Đáng lẽ sau đó phải có những nghị định, tiêu chuẩn cụ thể hơn nữa, nhưng đến nay chưa có nên việc áp dụng còn tùy tiện.
Đơn cử Luật Quy hoạch đô thị đề cập phát triển đô thị, nói xây dựng đô thị, nói nọ kia nhưng không phân biệt rõ trong phát triển đô thị có 2 khu vực: khu vực đô thị hiện có và khu vực bắt đầu phát triển đô thị. Mọi sự quan tâm tập trung vào sự phát triển đô thị, còn việc quản lý đô thị hiện có chưa được chú ý đúng mức.
Luật quy hoạch ở một số nước phân 2 chương rõ ràng: một chương về thực hiện quy hoạch tại đô thị hiện có, và một chương quy định về thực hiện quy hoạch tại khu đô thị mới. Vì khu đô thị hiện có đã hình thành đường sá, bây giờ có thể cải tạo nó hay như thế nào. Cách làm như Hà Nội, TPHCM hiện nay là “cấy” nhà vào khu đô thị.
Theo đó, cứ có mảnh đất trống, nhà đầu tư kiếm được, mua được của ai đó rồi “cấy” nhà vào đấy, không quan tâm đến quy hoạch đô thị xung quanh. Những bất cập này một phần do các quy định không rõ ràng.
Bên cạnh đó, với những tòa nhà cao tầng đã phá vỡ quy hoạch đô thị, xây vượt tầng không phép như ở Khu đô thị Linh Đàm, Khu đô thị Đại Thanh hay Khu đô thị Xa La, những giải pháp xử lý của chính quyền mới chỉ dừng lại ở lời nói, trên văn bản và chưa có hành động nên chưa thể gọi là giải pháp mạnh.