Hoàn thiện thể chế để chuyển đổi số nhanh, bền vững

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Đại dịch Covid-19 là một chất xúc tác để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Nhưng để tạo đà chuyển đổi số nhanh và bền vững, cần chính sách, giải pháp và cả sự hỗ trợ phát triển dài hạn, đủ liều đối với các doanh nghiệp công nghệ số.

Nhiều doanh nghiệp đã thích nghi với hoàn cảnh bằng cách tăng cường ứng dụng nền tảng số hóa trong các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Tường Lâm
Nhiều doanh nghiệp đã thích nghi với hoàn cảnh bằng cách tăng cường ứng dụng nền tảng số hóa trong các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Tường Lâm

Thích nghi nhờ chuyển đổi số

Dẫn đánh giá của Data 61 (Cơ quan chuyên nghiên cứu về số liệu và công nghệ số thuộc Tổ chức Khoa học quốc gia Australia): “GDP của Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam đang chủ động tiếp cận cơ hội từ kinh tế số cho tăng trưởng. Đại dịch Covid-19 không làm giảm bớt sự quan tâm của Việt Nam đối với kỹ thuật số. Thay vào đó, sự đứt gãy của không ít hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng truyền thống buộc các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh dạn hơn trong nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số hóa trong các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh. Ngay trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo kết quả khảo sát được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 9/12/2020, doanh nghiệp đã thích nghi với hoàn cảnh bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ số. Kết quả khảo sát 500 doanh nghiệp cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng hoặc tăng cường sử dụng công nghệ số đã tăng từ 48% vào tháng 6 lên 60% vào tháng 10.

Có thể do thiếu năng lực và nguồn lực, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường áp dụng nền tảng số cho các quy trình nghiệp vụ không quá phức tạp, đòi hỏi khoản đầu tư nhỏ hơn, như quy trình bán hàng, thanh toán. Các doanh nghiệp lớn có xu thế ứng dụng nền tảng số vào các công đoạn phức tạp hơn, ví dụ lập kế hoạch sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, theo WB, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang dần bắt kịp các ông lớn trong đầu tư vào các nền tảng số.

Theo ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, kết quả khảo sát khác của Viện Kinh tế Việt Nam cho thấy, kế hoạch mở rộng hoạt động của doanh nghiệp thể hiện khá rõ một số hoạt động chuyển sang kinh tế số như tiếp thị, giao tiếp với khách hàng, mua bán qua Internet, thanh toán điện tử,..

Cần hỗ trợ phát triển dài hạn

Ông Lê Xuân Sang nhận định, đại dịch Covid-19 là cú hích quan trọng đối với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này không hề dễ dàng do nhiều nguyên nhân và một khi bệnh được kiểm soát thì nỗ lực chuyển đổi số có thể chùng xuống. Do vậy, cần hỗ trợ phát triển dài hạn, đủ liều đối với các doanh nghiệp công nghệ số, bất kể là gặp khó khăn hay không để tạo cú hích chuyển đổi số, tái cơ cấu đủ mạnh trong thời gian đủ dài. Tuy nhiên, trọng tâm, liều lượng hỗ trợ là khác nhau đối với từng doanh nghiệp trong nhóm ngành này.

Vẫn theo ông Sang, việc chống suy thoái trong đại dịch có những đặc trưng, tác động mới, có khác biệt với các đợt khủng hoảng, suy thoái trước. Do vậy, các gói hỗ trợ và việc thực thi phải cân nhắc đúng mức các đặc trưng này, thay cho các hỗ trợ trung tính hiện nay, có rủi ro nhất định. Các gói hỗ trợ không phải là thuốc thần và không thể cứu hết doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là khi nguồn ngân sách hiện hữu tương đối hạn chế trong tình hình bệnh dịch còn rất phức tạp, khó lường. Chính vì vậy, chỉ có thể cứu được một số doanh nghiệp theo các tiêu chí hợp lý về mặt kinh tế và thực tiễn tối đa, bảo đảm minh bạch, công bằng cao. Mục tiêu của các gói kích thích không nên và không thể cứu các doanh nghiệp yếu kém để sau đó tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế, mà chỉ nên tập trung ưu tiên giải cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao, tạo năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế trong dài hạn...

Cũng cho rằng đại dịch Covid-19 là một chất xúc tác để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, nhưng để phát triển kỹ thuật số nhanh, bền vững, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh đến những giải pháp nền tảng, dài hạn. Trong đó, cần tiếp tục cải cách thể chế liên quan đến an toàn, an ninh mạng; chính sách cạnh tranh; các quy định về thuế với nền tảng số. Đồng thời, phát triển hạ tầng số là yêu cầu bắt buộc để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế số, chuyển đổi số...

Tin cùng chuyên mục