Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển thị trường khí

(BĐT) - Trải qua hơn 20 năm, chính sách phát triển thị trường khí tại Việt Nam hiện có một số nội dung đã lỗi thời, không còn phù hợp với thực tế. Tại Hội thảo “Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam” diễn ra ngày 12/9 tại Hà Nội, nhiều giải pháp phát triển thị trường khí đã được đề xuất, trong đó có vấn đề hoàn thiện thể chế.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng khí tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 là từ 13 - 27 tỷ m3/năm. Ảnh: Lê Tiên
Dự báo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng khí tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 là từ 13 - 27 tỷ m3/năm. Ảnh: Lê Tiên

Còn quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp

Thị trường khí tại Việt Nam trong thời gian qua đạt mức tăng trưởng trên 12%/năm. Tuy nhiên, sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp so với mức tiêu thụ của khu vực và thế giới.

Ông Phùng Văn Sỹ, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than thuộc Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2019 - 2020, sản lượng khí khai thác dự kiến từ 10 - 11 tỷ m3/năm; từ năm 2021 - 2025 là 13 - 19 tỷ m3/năm; từ năm 2026 - 2035 từ 17 - 21 tỷ m3/năm. Theo dự báo, từ năm 2021 - 2025, Việt Nam nhập khẩu khí từ 1 - 4 tỷ m3/năm và tăng lên 6 - 10,3 tỷ m3/năm trong giai đoạn 2026 - 2035. Trong khi đó, các dự báo về nhu cầu tiêu thụ là rất lớn. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025 từ 13 - 27 tỷ m3/năm; từ 2026 - 2035 từ 23 - 31 tỷ m3/năm để phục vụ cho sản xuất điện, hoạt động công nghiệp dân dụng…

Đề cập về thực trạng chính sách kinh doanh khí, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho hay, mặt hàng khí được quy định là một trong những mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Theo đó, 2 sản phẩm chủ yếu là khí thiên nhiên (khí thiên nhiên hóa lỏng - LNG; khí thiên nhiên nén - CNG) và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) khi kinh doanh tại Việt Nam được điều chỉnh chủ yếu bởi các văn bản pháp lý ở cấp nghị định. Tuy nhiên, chính sách phát triển thị trường khí hiện có nội dung không phù hợp với thực tế; còn những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp (quy định lập sổ theo dõi chai LPG; cho thuê chai LPG…).

“Nghị định số 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí đã cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai đã xuất hiện một số vướng mắc, bất hợp lý cần sớm xử lý như: Có khoảng trống pháp lý đối với loại hình thương nhân hoạt động dưới hình thức tổng đại lý/đại lý kinh doanh LPG và thương nhân phân phối khí; thủ tục hành chính khó triển khai tại địa phương…”, ông Tuấn nêu.

Đánh giá hệ thống pháp lý về hạ tầng kỹ thuật kinh doanh khí, ông Trần Trọng Hữu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam nhấn mạnh, hiện có quá nhiều thủ tục về quản lý đầu tư, vận hành và kinh doanh trạm khí hóa lỏng, bao gồm khoảng 70 thủ tục khác nhau. Trong đó có những thủ tục chi phí rất cao nhưng nội dung trùng lắp nhau đến 70% do các cơ quan quản lý khác nhau phê duyệt.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nhằm phát triển thị trường khí tại Việt Nam cần tập trung xây dựng theo hướng: Một là, thiết lập đầy đủ các loại hình thương nhân theo chuỗi hoạt động kinh doanh khí. Hai là, quy định điều kiện gắn sát bản chất của từng khâu kinh doanh khí, đáp ứng yêu cầu an toàn, quyền lợi của người sử dụng khí. Ba là, có chính sách khuyến khích, thúc đẩy thiết lập hệ thống phân phối khí gắn kết, bảo đảm thị trường khí phát triển ổn định, hiệu quả.

“Nếu được như vậy, trong thời gian tới, với sự tham gia quản lý đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan hoạt động kinh doanh khí ở các cấp từ trung ương đến địa phương, thị trường khí Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng ổn định, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường trong nước và bám sát biến động giá trên thế giới”, ông Tuấn khẳng định.

Đề xuất các giải pháp phát triển bền vững thị trường khí Việt Nam, ông Trần Trọng Hữu kiến nghị các cơ quan quản lý cần có định hướng, khuyến khích phát triển hạ tầng phục vụ xe ô tô sử dụng LPG, CNG và LNG; sắp xếp quản lý kinh doanh khí về 2 đầu mối để đơn giản hóa thủ tục hành chính; quy định về quản lý giá; sớm ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính thay thế Nghị định 67/2017/NĐ-CP và xây dựng thông tư hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực kinh doanh khí…

Về cơ chế giá khí, đại diện Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cho rằng, trong giai đoạn tới vẫn tiếp tục cơ chế quản lý đối với giá khí theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục