Becamex IDC đang là chủ sở hữu của hàng loạt dự án bất động sản lớn. Ảnh: Quang Tuấn |
Con mắt của giới đầu tư đang đổ dồn về “bom tấn” Becamex IDC dự kiến được đấu giá vào ngày 1/12. Thương vụ này liệu có hấp dẫn khi mức giá khởi điểm khá cao, hoạt động của doanh nghiệp có xu hướng thụt lùi?
Kinh doanh bất động sản sụt giảm
Là doanh nghiệp dẫn đầu về kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, “ông vua” khu vực Bình Dương chiếm tới 11,39% tổng diện tích đất khu công nghiệp tại Việt Nam. Doanh nghiệp này đang sở hữu khối tài sản lên tới 42.703 tỷ đồng, song hiệu quả kinh doanh của Becamex IDC - công ty mẹ lại không tương xứng. Báo cáo tài chính quý II/2017 công bố, doanh thu thuần của Becamex IDC chỉ đạt 739,41 tỷ đồng, giảm tới 39,37% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng chỉ còn 2,87 tỷ đồng, bằng ¼ so với mức 12,3 tỷ đồng năm 2016. Nguyên nhân của tình trạng này chưa được giải trình, thế nhưng theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu thì có thể do sự sụt giảm mạnh trong doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản.
Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp cho thấy, khối tài sản 42.703 tỷ đồng của Becamex IDC tập trung chủ yếu vào Tài sản ngắn hạn 33.224 tỷ đồng; trong đó, hai khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là Phải thu ngắn hạn 11.802 tỷ đồng (27,63% tổng tài sản) và Hàng tồn kho là 18.772 tỷ đồng (chiếm 43,84% tổng tài sản). Điều này khá dễ hiểu khi Becamex IDC đang là chủ sở hữu của hàng loạt dự án bất động sản lớn như Becamex City Center (6 ha) có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, Ecolakes Mỹ Phước (220 ha), Becamex Thuận An (190 ha), Thành phố mới Bình Dương (4.000 ha) cùng với nhiều dự án khác. Thế nhưng quỹ nhà ở quá lớn trong khi nhu cầu thực tế khá thấp đã khiến cho lượng tồn kho dự án ngày một tăng lên.
Để thu xếp nguồn vốn triển khai các dự án, Becamex IDC đã thực hiện vay vốn tại hơn 10 ngân hàng theo hai hình thức là vay theo hình thức tín dụng trực tiếp và tài trợ vốn thông qua phát hành trái phiếu. Tài sản bảo đảm cho các khoản vay này là quyền kinh doanh và khai thác dự án khu công nghiệp, hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn, quyền thu cổ tức, tài sản hình thành từ vốn vay, quyền sử dụng đất của hàng loạt khu đất lớn… đến các khoản thu theo hợp đồng kinh tế. Tại thời điểm 30/6/2017, dư nợ các khoản vay của Becamex IDC là 22.594 tỷ đồng, trong đó ngắn hạn là 7.473 tỷ đồng và dài hạn là 15.121 tỷ đồng.
Trông chờ vào lãi từ VSIP
Trái ngược với VSIP là Công ty TNHH Becamex Tokyu, liên doanh giữa Tập đoàn Tokyu và Becamex IDC (chiếm 48,6%, tương đương với 3.010 tỷ đồng), được thành lập để triển khai nhiều dự án nhà ở tại Thành phố mới Bình Dương. Thế nhưng, liên doanh này hoạt động không hiệu quả và Becamex IDC tiếp tục ghi nhận mức lỗ 5 tỷ đồng trong năm 2016, nâng mức lỗ lũy kế lên 83 tỷ đồng.
Với tình trạng kinh doanh hiện tại và kế hoạch lợi nhuận dự kiến của công ty mẹ sụt giảm mạnh chỉ còn 240 tỷ đồng năm 2017, nhiều ý kiến cho rằng, mức giá khởi điểm 31.000 đồng/CP là cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung. Khảo sát nhiều chuyên gia đầu tư thì mức giá như vậy là khá “xương” để xuống tiền đầu tư và họ tiếp tục dành tiền để chờ đợi cơ hội đầu tư tốt hơn.