Năm 2018, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên âm 0,04 tỷ đồng |
Định giá quá cao?
Ngày 24/4, UBND tỉnh Hưng Yên sẽ thực hiện bán đấu giá hơn 6,96 triệu cổ phần Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên (tương đương 46,08% vốn điều lệ) thuộc sở hữu của đơn vị này tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Công ty này được thành lập vào tháng 8/2012, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực quản lý và làm vệ sinh môi trường; quản lý, chăm sóc duy trì vườn hoa, công viên cây xanh trên địa bàn TP. Hưng Yên.
Dù được UBND TP. Hưng Yên đặt hàng các dịch vụ công ích trên địa bàn Thành phố nhưng kết quả kinh doanh của Công ty còn tồn tại nhiều vấn đề. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh chính không thể mang lại lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính năm 2018, doanh thu thuần của Công ty đạt 65 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017. Sau khi trừ đi các khoản chi phí giá vốn, chi phí quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của Công ty âm 0,04 tỷ đồng. Năm 2016 và 2017, con số này lần lượt là âm 1,5 tỷ đồng và âm 5,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận cả năm dương nhờ nhận được các khoản tiền hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh. Cụ thể, năm 2017, Công ty được nhận 5,5 tỷ đồng khoản tiền hỗ trợ, qua đó báo lãi cả năm 2017 là 0,096 tỷ đồng. Còn năm 2018, số tiền mà Công ty nhận được là 0,109 tỷ đồng, do vậy, báo lãi cả năm 0,035 tỷ đồng.
Chưa rõ khoản hỗ trợ này có phải tiền ngân sách nhà nước đổ vào Công ty để giúp doanh nghiệp này có lợi nhuận hay không? Được biết, 90% khối lượng công việc của Công ty là do UBND TP. Hưng Yên hỗ trợ, vì vậy cũng có thể đặt dấu hỏi liệu khoản tiền hỗ trợ hàng năm có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước?
Quay trở lại với phiên IPO, mức giá khởi điểm một cổ phần được đưa ra là 18.777 đồng, cao hơn 87% so với mệnh giá. Với mức lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 0,035 tỷ đồng, một cổ phần đang được định giá ở mức P/E lên tới 8.235.
Nếu so sánh với mức P/E của một số doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực như Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng là 5,57 hay Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận ở mức 6,2, có thể thấy phần nào mức giá khởi điểm “khủng” của Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên.
Tù mù số liệu
Bên cạnh mức giá cao, Công ty TNHH Kiểm toán VACO - đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên cũng cho biết, số liệu trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp này chưa được đầy đủ.
Cụ thể, VACO chưa được cung cấp đầy đủ hồ sơ tài sản cố định và xây dựng cơ bản của các tài sản nhận bàn giao từ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và Thoát nước TP. Hưng Yên với tổng nguyên giá tại ngày 31/12/2018 là 92,5 tỷ đồng, giá trị xây dựng dở dang là 36,9 tỷ đồng (Công ty Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên nhận bàn giao một phần vốn, tài sản, lao động, quyền và nghĩa vụ liên quan đến chức năng thoát nước của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và Thoát nước TP. Hưng Yên theo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tỉnh Hưng Yên). Do đó, VACO không thể xác định liệu có cần điều chỉnh số dư liên quan đến giá trị tài sản, chi phí khấu hao và các khoản mục có liên quan trong báo cáo tài chính hay không.
Bên cạnh đó, Công ty chưa ghi nhận thuế giá trị gia tăng đầu ra 10% phải nộp của doanh thu dịch vụ “vệ sinh công cộng” theo quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 trong năm 2018 là gần 1,4 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính về nguyên nhân gây chậm trễ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn trong thời gian qua, do định giá quá cao và ít thông tin được cung cấp cho nhà đầu tư, nhiều đợt IPO của những doanh nghiệp lớn khác cũng đã phải chịu cảnh ế ẩm. Về tài chính, những tranh chấp và sự thiếu rõ ràng về giá trị tài sản doanh nghiệp cũng gây khó cho nỗ lực muốn bán vốn nhà nước.
“Nhìn bề ngoài, những nguyên nhân như trên có tính khách quan, nhưng xem xét thấu đáo lại xuất phát từ những lý do rất chủ quan. Rà soát các quy định pháp lý cho thấy, chủ trương bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp và khuôn khổ pháp lý đã bám sát thực tiễn. Song, việc tổ chức thực hiện là chưa tích cực”, ông Tiến nhấn mạnh.