KĐT Ciputra Hà Nội: Dân vào ở đã lâu, sao chưa thấy đâu bệnh viện?

Được giới thiệu với những cụm từ hoa mỹ, đầy đẳng cấp, thế nhưng sau nhiều năm đưa vào sử dụng KĐT Ciputra Hà Nội vẫn “thiếu vắng” bệnh viện, công viên, nhiều khu hạ tầng đã xuống cấp nghiêm trọng.
Những hình ảnh nhếch nhác không đáng có tại KĐT được mệnh danh là “đẳng cấp” nhất Hà Nội.
Những hình ảnh nhếch nhác không đáng có tại KĐT được mệnh danh là “đẳng cấp” nhất Hà Nội.

Theo phản ánh của một số cư dân sinh sống tại KĐT Ciputra Hà Nội cho biết: Mặc dù KĐT đã được đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay, tuy nhiên hiện KĐT vẫn chưa được hoàn thiện hạ tầng thiết yếu theo như phê duyệt. Theo đó dự án bệnh viện, công viên trung tâm vẫn chưa được triển khai, nhiều khu đường đã xuống cấp, nắp hố ga bị mất mà không được lắp lại gây nguy hiểm cho người dân.

Tìm hiểu được biết, KĐT Nam Thăng Long là tên gọi chính thức của Ciputra Hà Nội, đây là một trong những dự án bất động sản đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam do Tập đoàn Ciputra (Indonesia) và một Tổng Cty thuộc UBND TP Hà Nội làm Chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2002, nằm trên địa phận các phường Xuân Đỉnh, Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) và các phường Phú Thượng, Xuân La (quận Tây Hồ), đến nay nhiều khu của KĐT đã được đưa vào sử dụng.

Theo quy hoạch chi tiết của UBND thành phố Hà Nội, khu đô thị Ciputra có tổng diện tích quy hoạch gần 400ha, trong đó dự án có khoảng 50 tòa chung cư và khoảng 2.500 căn nhà thấp tầng bao gồm biệt thự, liền kề. Dự án được triển khai xây dựng chia làm 3 giai đoạn. Theo giới thiệu Chủ đầu tư dự án, các công trình nhà chung cư cao tầng được bố trí theo dọc tuyến đường chính của khu vực, nhằm tạo bộ mặt kiến trúc đô thị. Công trình thương mại dịch vụ, nhà ở thấp tầng được bố trí phía trong khu đô thị, kết hợp với khu cây xanh và hồ điều hoà nhằm tạo ra không gian mềm và cải thiện khí hậu của khu vực.

Trong KĐT, trường học, nhà trẻ mẫu giáo được bố trí đảm bảo an toàn thuận tiện, linh động, tiện lợi cho trẻ em học tập, vui chơi; cơ quan hành chính, y tế được bố trí ở trung tâm mỗi đơn vị ở để thuận tiện cho sử dụng và quản lý. Phía Tây là khu dịch vụ tài chính, thương mại, văn hoá, văn phòng giao dịch, khách sạn cao cấp.

Con đường bị “cày” lên lầy lội như ao.

Theo phản ánh của cư dân KĐT về việc thiếu hạ tầng bệnh viện, công viên và sự xuống cấp của đường xá trong KĐT, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có dịp khảo sát và nhận thấy phản ánh trên là có căn cứ. Theo đó, tại khu vực gần công trường dự án Sunshine City, đường tại đây bị “cày” lên nham nhở, nhiều đoạn bị mất mặt hố ga nhưng không thấy đơn vị nào sửa chữa.

Về dự án bệnh viện trong KĐT cũng chỉ được xây từng rào và căng biển để đó, dự án vẫn là bãi đất trống, cây cối um tùm. Tương lai về một dự án bệnh viện vẫn “mịt mù” không biết đến khi nào mới được thực hiện, dự án công viên trung tâm sau nhiều năm cũng chỉ là bãi đất trống?

Trao đổi với phóng viên, một số người dân cho biết: Trước khi về đây sinh sống, chúng tôi kỳ vọng sẽ có một không gian xanh lý tưởng đó là khu công viên trung tâm. Nhưng đến nay dự án khu công viên này vẫn không hề được xây dựng, nhiều người dân lo lắng bởi Chủ đầu tư của KĐT này là một Tập đoàn nước ngoài. Nếu sau khi bán xong hết căn hộ, Chủ đầu tư “rút lui” về nước thì ai sẽ là người xây công viên và hoàn trả hạ tầng cho người dân.

Một số ý kiến khác thì cho rằng: Mặc dù trong KĐT Ciputra có hệ thống những trường mầm non, tiểu học đẳng cấp Quốc tế như: Trường Quốc tế Liên Hợp quốc Hà Nội (UNIS), Trường quốc tế Singapore , Hanoi Academy, nhưng nó là điều xa xỉ với người dân, bởi có những trường chỉ nhận học sinh là con em của người nước ngoài hoặc Đại Sứ quán, có trường thì học phí đắt đỏ, so với mặt bằng chung của người dân rất khó đáp ứng được nguồn tài chính này.

Khu đất dự kiến xây dựng bệnh viện vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” chưa biết đến khi nào mới được xây dựng.

Trong khi đó, tại khoản 3, Điều 13, Luật Kinh doanh BĐS 2014, quy định trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án BĐS: “Chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành việc xây dựng nhà, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; trường hợp bàn giao nhà, công trình xây dựng thô phải hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài của nhà, công trình xây dựng đó”.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3, Điều 17 của Nghị định 11 ngày 14/1/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị, nghĩa vụ của Chủ đầu tư cấp 1 là “đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực xung quanh, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt”.

Thời gian gần đây lãnh đạo thành phố Hà Nội đã quan tâm, chỉ đạo sát sao việc thiếu vắng trường học, bệnh viện, công viên và sự xuống cấp hạ tầng kỹ thuật tại nhiều KĐT trên toàn thành phố. Trước những kiến nghị của cư dân KĐT Ciputra Hà Nội, đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thanh tra toàn dự án, làm rõ những tồn tại nếu có trong việc đầu tư xây dựng dự án tại KĐT này.

Tin cùng chuyên mục