Khi kiến nghị của nhà thầu đi vào “ngõ cụt”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp còn nghi ngại về tính khách quan và độ tin cậy của hệ thống xử lý, giải quyết khiếu nại trong đấu thầu tại Việt Nam. Bản nghiên cứu sẽ được công bố ngày 13/12/2023.
Kiến nghị, phản ánh của nhà thầu tập trung nhiều ở các tiêu chí của hồ sơ mời thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Kiến nghị, phản ánh của nhà thầu tập trung nhiều ở các tiêu chí của hồ sơ mời thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Bức tranh từ thực tế

Tại Gói thầu số 12 Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị cụm công trình đầu mối thuộc Dự án Xây dựng hồ chứa nước Ka Zam, huyện Đơn Dương, sau nhiều kiến nghị của nhà thầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc kiểm tra, chỉ ra nhiều tiêu chí của hồ sơ mời thầu (HSMT) làm hạn chế nhà thầu. Tuy nhiên, sau đó không có giải pháp xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan đến các sai sót của HSMT, Chủ đầu tư tiếp tục thực hiện hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Điều này chẳng khác gì chấp nhận “sự đã rồi” và bỏ trống việc làm rõ trách nhiệm của những cá nhân/tập thể để xảy ra sai sót, hạn chế đó.

Quá trình rà soát và theo dõi diễn biến kiến nghị của các nhà thầu cho thấy, kiến nghị, phản ánh của nhà thầu tập trung nhiều ở các tiêu chí của HSMT, một số được bên mời thầu tiếp thu, sửa đổi nhưng không triệt để, dẫn đến bản chất của HSMT vẫn hạn chế cạnh tranh nên các nhà thầu “bỏ cuộc”, không nộp hồ sơ dự thầu.

Ông Đỗ Văn Như - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây lắp HD cho biết, một số quyết định lựa chọn nhà thầu, hủy thầu của các chủ đầu tư thiếu minh bạch, mập mờ và không rõ ràng, không khiến nhà thầu “tâm phục khẩu phục”. Chẳng hạn, tại Gói thầu Thi công xây lắp thuộc Dự án Xây dựng trụ sở Công an xã Ninh Nhất, TP. Ninh Bình, UBND TP. Ninh Bình hủy thầu vì tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu của HSMT, nhưng nhà thầu không biết lý do bị loại. Khi nhà thầu kiến nghị thì chủ đầu tư chỉ trả lời “cho có”.

Lãnh đạo Công ty TNHH Xây dựng Lam Hồng cho biết, có một thực trạng đáng buồn là nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu không đối xử công bằng với nhà thầu, tùy tiện cài cắm các điều kiện riêng trong HSMT để loại nhà thầu mà họ không mong muốn. Việc công khai thông tin đấu thầu đầy đủ sau mỗi cuộc thầu cũng bị “phớt lờ”, nhà thầu phải nhiều lần có ý kiến mới được bên mời thầu công bố vắn tắt. Nhà thầu thực sự cảm thấy mệt mỏi và thất vọng khi các chủ đầu tư xem gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước là “của nhà mình”. Ngay cả hội đồng giải quyết kiến nghị cũng không đưa ra được giải pháp xử lý thỏa đáng nên dù quy trình đấu thầu có bị kết luận sai phạm nhưng chủ đầu tư và nhà thầu trúng thầu vẫn ký hợp đồng và triển khai thi công như chưa có việc gì xảy ra.

Cán bộ của Công ty CP Xây dựng và Cây xanh Hà Đô cho biết, kiến nghị của nhà thầu gửi chủ đầu tư nhiều khi hỏi một đằng nhưng trả lời một nẻo. Các tiêu chí hạn chế nhà thầu bị “làm lơ”, kiểu “không biết không bàn” nên nhà thầu rơi vào tâm lý chán nản vì biết rằng “con kiến không thể kiện củ khoai”, đành ngậm ngùi bỏ cuộc.

Con đường giải quyết kiến nghị

Kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia WB và ADB về công tác đấu thầu ở Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 chỉ ra rằng, khi nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, kiến nghị sẽ được xem xét ở tầng giải quyết thứ 2 là hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị nhưng kết quả xem xét kiến nghị của hội đồng tư vấn không có giá trị ràng buộc hoặc không có hiệu lực thi hành. Đó chỉ là các khuyến nghị trong văn bản báo cáo người có thẩm quyền về phương án, nội dung trả lời kiến nghị để người có thẩm quyền ban hành quyết định. Hệ thống giải quyết kiến nghị còn thiếu tính độc lập và sự gắn kết của các hội đồng tư vấn. Quá trình giải quyết và các kết quả giải quyết kiến nghị không được công bố rộng rãi, do đó khó có thể đánh giá được hoặc dùng cho mục đích án lệ.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát về nhận thức của doanh nghiệp đối với đấu thầu mua sắm công của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2022 cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến nhà thầu không nộp đơn kiến nghị dù cảm thấy bị đối xử bất công trong quá trình lựa chọn nhà thầu như: quy trình, thủ tục xử lý kiến nghị phức tạp (37%), lo ngại chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết kiến nghị vượt quá lợi ích thu lại (34%), lo ngại tiếp tục bị đối xử bất công khi tham gia đấu thầu trong tương lai (29%), không tin tưởng vào kết quả giải quyết kiến nghị (24%)…

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu cho biết, việc gửi kiến nghị đến cơ quan chức năng là “cực chẳng đã”, bị o ép quá dẫn đến bất bình, chứ thực tình nhà thầu chỉ muốn yên ổn làm ăn, kiến nghị nhiều khi chẳng giải quyết được chuyện gì vì có kết quả giải quyết kiến nghị thì việc cũng đã rồi, nhà thầu trúng thầu đã khởi công công trình, sai sót nếu được chỉ ra cũng chỉ mang tính tham khảo để bên mời thầu rút kinh nghiệm.

Theo các chuyên gia về đấu thầu, để củng cố niềm tin cho nhà thầu khi thực hiện kiến nghị thì ở từng cấp xử lý kiến nghị phải làm tròn trách nhiệm của mình, kết quả giải quyết kiến nghị phải được công khai rộng rãi để có sự giám sát chéo của cộng đồng xã hội về chất lượng giải quyết kiến nghị của cấp có thẩm quyền. Trường hợp nhà thầu kiến nghị đến hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị thì kết quả giải quyết kiến nghị phải có giá trị thực thi, buộc các đối tượng liên quan phải chấp hành và chịu trách nhiệm về những sai sót của mình trong quá trình tổ chức đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục