Điều chỉnh giảm vốn giai đoạn này sẽ gây áp lực cho giai đoạn tới. Ảnh: Internet |
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng năm 2020, bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, số các địa phương đã phân bổ và nhập Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) tính đến ngày 30/9 đạt 97% dự toán, tăng 6,6% so với một tháng trước đó.
Trong số dự toán trên, số dự toán các địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách Trung ương tính đến ngày 30/9 chiếm 11,73% dự toán. Về nguồn vốn Trung ương cho vay lại cho địa phương, các địa phương đã phân bổ vào hệ thống Tabmis tính đến ngày 30/9/2020 đạt 75,3% dự toán, tăng 1,2% so với thời điểm 31/8.
Tính tới hết tháng 9, lũy kế số giải ngân nguồn Trung ương hỗ trợ cho địa phương là 11.033 tỷ đồng. Đối với nguồn Trung ương cho vay lại, tính đến ngày 30/9, các địa phương đã giải ngân được 8.774 tỷ đồng. Như vậy, tính chung trong 9 tháng, các địa phương trên cả nước đã giải ngân hơn 19.700 tỷ đồng vốn năm 2020, đạt 30,4% dự toán được giao.
Đánh giá về kết quả này, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, tỷ lệ giải ngân tháng 9 dù đã có cải thiện đáng kể (tăng thêm 8%) so với tháng 8/2020, nhưng tổng giải ngân 9 tháng đầu năm vẫn thấp so với dự toán 2020. Nếu so với dự toán giảm trừ do các địa phương trả lại dự toán, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương đạt 32,43% trong khi thời gian giải ngân dự toán 2020 còn lại là 4 tháng. Do vậy, nhiệm vụ từ nay tới cuối năm của các địa phương là khá nặng nề.
Về thực tế giải ngân tại các địa phương, Bộ Tài chính cho biết, nhiều địa phương có tiến độ giải ngân cao trong tháng 9 và một số địa phương còn nhiều vướng mắc.
Một số địa phương kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ ngành liên quan có giải pháp điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho các dự án vốn vay; tiếp tục đàm phán với các định chế tài chính và tổ chức tín dụng quốc tế để nguồn vốn không giải ngân được trong năm 2020 vì lý do khách quan của đại dịch Covid-19 hay thủ tục ký kết hợp đồng thì được chuyển sang nguồn cho năm 2021…
Ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc xin điều chỉnh dự án phải tiến hành qua rất nhiều thủ tục. Tuy nhiên, tại thời điểm này, các địa phương mới gửi công văn xin ý kiến các bộ, ngành để điều chỉnh dự án là khá muộn. Điều đó cũng cho thấy công tác chuẩn bị dự án có vấn đề, chất lượng dự án chưa cao. Ông Cường cũng cho biết thêm, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân loại 13 nhóm dự án có thủ tục phải điều chỉnh để xem xét các nhóm dự án nào có thể rút ngắn thời gian phê duyệt điều chỉnh, dự án nào cần phải thực hiện theo đúng quy trình.
Từ phía Bộ Tài chính, ông Trương Hùng Long cho biết, trong những tháng còn lại của năm 2020, nếu các địa phương không có biện pháp quyết liệt sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao.
Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát và làm việc cụ thể với các địa phương và các ban quản lý dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn để thúc đẩy việc giải ngân. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ trao đổi với các đối tác phát triển để tiếp tục tạo thuận lợi cho phương thức thanh toán trực tiếp, xử lý nhanh các đơn rút vốn đủ điều kiện thanh toán của các dự án, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để ký Hợp đồng cho vay lại.