Khoảng trống “kiến trúc sư trưởng” ngành dược liệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn về phát triển dược liệu. Về chủ trương, chính sách, hiện có hơn 50 văn bản liên quan đến phát triển ngành dược liệu, nhưng theo một số chuyên gia, còn thiếu chiến lược tổng thể để chủ trương đi vào thực tế, phát triển ngành kinh tế dược liệu tại Việt Nam.
Việc phát triển vùng trồng dược liệu, xây dựng nhà máy chế biến còn nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Tiên
Việc phát triển vùng trồng dược liệu, xây dựng nhà máy chế biến còn nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp khó tiếp cận ưu đãi vốn, đất đai

Đầu tư vào nông nghiệp nói chung và lĩnh vực dược liệu nói riêng có mức độ rủi ro cao, suất đầu tư lớn vì chủ yếu triển khai ở miền núi xa xôi, nếu chỉ dựa vào nguồn lực của doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa, là chưa đủ. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi về tiếp cận đất đai, vốn…, nhưng theo phản ánh của DN, việc tiếp cận vốn để đầu tư lĩnh vực này rất khó khăn.

Tại Tọa đàm Khai mở kho vàng dược liệu Việt Nam diễn ra mới đây, ông Trịnh Hiền Trung - Tổng giám đốc Công ty CP Dược liệu TH - TH Herbals (thuộc Tập đoàn TH) cho rằng, chính sách ưu đãi hiện vẫn còn chung chung, nên khi DN hỏi những ưu đãi đó thì chính quyền trả lời: “Không biết áp dụng như thế nào”, vì vậy chính sách ưu đãi không thể thực hiện được.

Muốn vay vốn ưu đãi từ ngân hàng, DN phải có giấy phép của chính quyền địa phương, phải có định mức kỹ thuật được phê duyệt..., nhưng dù “gõ cửa” nhiều nơi, DN vẫn không thể hoàn tất thủ tục pháp lý. “Dược liệu đã trồng được Bộ Y tế công nhận, nhưng mất tới 6 tháng đi đi lại lại mà vẫn không thể làm xong thủ tục. Rốt cuộc, chúng tôi đành phải từ bỏ một dự án tại Phú Yên”, TS. Vũ Văn Thoại - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm chia sẻ.

Không chỉ vốn, việc phải đáp ứng quy định về diện tích đất trồng liền thửa 30 ha khiến nhiều DN trong thời gian dài không thể tiếp cận đất để triển khai vùng trồng dược liệu, xây dựng nhà máy chế biến. Theo PGS.TS Trần Văn Ơn, nguyên Trưởng bộ môn Thực vật - Đại học Dược Hà Nội, Giám đốc khối dự án Công ty CP Dược Khoa (DKPharma JSC), khu vực trồng dược liệu chủ yếu là miền núi, vùng sâu, vùng xa nên việc tiếp cận được 30 ha là rất phi lý. Mới đây, Bộ Y tế đã bãi bỏ quy định này, góp phần “cởi trói” cho DN, nhưng đây là bài học cho việc xây dựng chính sách phải sát với thực tế.

Phát triển tự phát vì thiếu thông tin, chiến lược bài bản

Theo PGS.TS Trần Văn Ơn, dù đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển ngành dược liệu, nhưng vì thiếu chiến lược phát triển tổng thể nên hiện giờ không có ai cầm trịch, làm “kiến trúc sư trưởng”. 5 bộ, ngành liên quan, mỗi bộ làm theo thế mạnh riêng của mình, không có sự kết nối. Các địa phương, người dân và DN “mạnh ai nấy làm”, đua nhau trồng, đầu tư tràn lan, rồi lại thi nhau chặt bỏ khi dược liệu mất giá…, hoặc vì lợi nhuận cao sẵn sàng tận thu, bán hết cho thương nhân nước ngoài. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới nguồn lực đầu tư của DN, sinh kế của người dân, dược liệu quý hiếm như đàn hương, cây vàng đắng… rất khó khôi phục giống.

Bên cạnh đó, theo ông Trịnh Hiền Trung, một khó khăn trong phát triển ngành dược liệu hiện nay là thiếu thông tin, hạ tầng kỹ thuật… “Thế giới đã có những chỉ số rất rõ về nhu cầu thị trường, giá cả của nhiều mặt hàng dược liệu. Giả sử một kg nghệ trên thế giới bán với giá 10 USD, nếu Việt Nam làm ra với giá thấp hơn thì nên làm, nếu cao hơn thì thôi. Cơ quan quản lý nhà nước có thể cung cấp thông tin tra cứu lịch sử, dữ liệu sử dụng thông qua việc mua dữ liệu thị trường thế giới để phân tích, sàng lọc, từ đó đưa ra khuyến cáo cho người dân, DN”, ông Trung khuyến nghị.

Ông Trần Văn Ơn cho biết, cùng là nhân sâm, nhưng ở Hàn Quốc có hơn 3.700 bài báo nghiên cứu khoa học, Mỹ có tới 7.000 bài báo…, trong khi Việt Nam chỉ có 30 bài báo khoa học. “Đây chính là vấn đề mà Nhà nước phải tập trung đầu tư. Việc đầu tư phải bài bản, trong đó nghiên cứu tổng thể đặc điểm vùng trồng, thổ nhưỡng trên cả nước để xác định địa điểm thích hợp nhất, tránh tình trạng mỗi công trình nghiên cứu 3 tỷ đồng, làm xong rồi bỏ đấy, mạnh địa phương nào thì địa phương đó làm, không thành công thì phá bỏ”, ông Ơn bình luận.

Trong số các dược liệu đặc trưng của Việt Nam, theo ông Trần Văn Ơn, Nhà nước cần tập trung phát triển một vài chủng loại có ưu thế nổi trội như gấc, quế… Điểm thuận lợi của những loại dược liệu này là đã được thế giới thừa nhận, bởi thông thường phải mất 30 năm sử dụng ổn định mới được thế giới công nhận. “Nếu sản phẩm chưa được thế giới công nhận thì việc xuất khẩu là không tưởng. Hơn nữa, nguồn lực của Việt Nam có hạn, vì vậy nên chọn lọc phát triển dược liệu quốc gia dựa theo 3 cấp: quốc dược, tỉnh dược, cộng đồng dược”, ông Ơn nhấn mạnh.

Một yếu tố quan trọng nữa để xuất khẩu sản phẩm dược liệu, theo ông Trung, đó là người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, dư lượng hóa chất, phân bón. Nếu không đáp ứng được điều kiện này, sản phẩm sẽ bị người tiêu dùng từ chối, không thể xuất khẩu.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc là đứt gãy nguồn cung, khi có tới 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, chưa kể nguồn nhập lậu khó kiểm soát chất lượng. Để chủ động một phần nguồn cung nguyên liệu sản xuất thuốc, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ông Trịnh Văn Lẩu - Chủ tịch Hiệp hội DN dược Việt Nam cho rằng, DN sản xuất dược liệu phải đổi mới công nghệ trồng, chế biến, chiết xuất dược liệu bản địa làm nguyên liệu sản xuất thuốc có giá trị kinh tế cao, gắn liền với nhu cầu của thị trường, bảo đảm an ninh nguyên liệu, cũng như tạo ra nhiều sản phẩm mang thương hiệu của quốc gia…

Tin cùng chuyên mục