Khoảng trống pháp lý trong quản lý, vận hành đường cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh nghiệm vận hành đường cao tốc tại Mỹ, Nhật, Trung Quốc cho thấy nhà nước làm đường rồi nhượng quyền vận hành, khai thác áp dụng loại hợp đồng O&M (kinh doanh - quản lý) của phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) khá phổ biến. Nhưng để thực thi ở nước ta sẽ dẫn tới những xung đột gì về thể chế? Những chính sách gì cần bổ sung hay làm mới? Những thách thức xã hội sẽ là gì? Trình tự, các tiêu chí, thời điểm lựa chọn nhà đầu tư O&M như thế nào?
Mô hình nhà nước làm đường cao tốc, sau đó nhượng quyền vận hành cho nhà đầu tư tư nhân, thường được sử dụng tại nhiều nước, mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Lê Tiên
Mô hình nhà nước làm đường cao tốc, sau đó nhượng quyền vận hành cho nhà đầu tư tư nhân, thường được sử dụng tại nhiều nước, mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Lê Tiên

Đó là hàng loạt câu hỏi, gợi mở mà TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam nêu ra tại buổi Tọa đàm “Quản lý đường cao tốc theo hình thức hợp đồng O&M” vừa diễn ra. Tọa đàm do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), Uỷ ban quan hệ đối tác công tư thuộc liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng trao đổi kinh nghiệm góp phần hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách, hành lang kỹ thuật vì sự phát triển bền vững hệ thống đường cao tốc ở nước ta.

Theo ông Trần Chủng, hệ thống đường cao tốc hình thành trong tương lai sẽ là khối tài sản rất lớn, cần được quản lý và khai thác tốt mới mang lại hiệu quả đầu tư. Đường cao tốc ở nước ta được phân loại là “công trình giao thông cấp đặc biệt”, nên công tác quản lý, khai thác có các yêu cầu khác biệt so với các loại đường thông thường. Quản lý, vận hành đường cao tốc không chỉ là thu phí, mà gồm nhiều công tác khác như: quản lý giao thông; quản lý công tác bảo trì; quản lý tài sản đường cao tốc; quản lý phát triển kinh doanh tổng hợp các khu vực dịch vụ…

Ví dụ như công tác quản lý việc thu phí trước hết nhằm bảo đảm việc thu phí chính xác, không để thất thoát nhưng phải tiện lợi, nhanh chóng, dịch vụ chất lượng; phải coi trọng đầu tư thiết bị thu phí tiên tiến có mức độ tự động hóa cao nhằm rút ngắn thời gian, an toàn, minh bạch và lưu trữ hiệu quả. Để khai thác đường cao tốc an toàn và bền vững thì cần kiểm tra, đánh giá về điều kiện an toàn trên tuyến; chất lượng mặt đường; kiểm soát xe quá khổ, quá tải vào cao tốc; hệ thống thiết bị trên tuyến, tình trạng chất lượng trạm thu phí… và có các giải pháp duy tu sửa chữa. Đây là khối lượng công việc lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp nên cần chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa sâu… Năng lực của đơn vị quản lý, vận hành đóng vai trò rất quan trọng đảm bảo tuyến đường phát huy hiệu quả đầu tư cao nhất.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, PPP là mô hình giúp giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước, tạo cơ hội cho phát triển kinh tế tư nhân, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cùng có lợi. Hình thức O&M được hiểu là Nhà nước làm đường cao tốc, sau đó nhượng quyền vận hành (bao gồm việc thu phí và thực hiện bảo trì) cho nhà đầu tư tư nhân, thường được sử dụng tại Mỹ, Nhật, Trung Quốc và mang lại hiệu quả cao.

Đồng quan điểm, theo ông Trần Chủng, O&M được áp dụng nhiều trên thế giới đem lại hiệu quả cao trong kinh doanh, quản lý đường cao tốc, còn ở Việt Nam vẫn còn thiếu những hướng dẫn cần thiết để phương thức này có thể được triển khai hiệu quả. Chúng ta chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên về quản lý, khai thác đường ô tô cao tốc; các văn bản pháp luật điều chỉnh, đặc biệt là các hướng dẫn chi tiết về những điều khoản chủ yếu trong hợp đồng O&M. Đây là khoảng trống pháp lý cần lấp đầy càng sớm càng tốt, làm căn cứ quản lý hợp đồng, phòng ngừa và xử lý các tranh chấp.

Lấy ví dụ, việc công ty quản lý tư nhân vào vận hành đường cao tốc thì quy định như thế nào về lựa chọn nhà đầu tư, thời gian nào nhà đầu tư tham gia vào, làm xong con đường mới đấu thầu chọn nhà đầu tư O&M, hay từ giai đoạn thi công? Theo ông Trần Chủng, nếu thi công xong mới chọn thì nhà đầu tư có trách nhiệm rất ngại vì không biết quá trình làm con đường như thế nào? Nếu vào từ giai đoạn thi công thì nhà đầu tư O&M sẽ là bên thứ ba giám sát quá trình thi công, như vậy họ sẽ bớt lo ngại hơn vì con đường tốt là yếu tố quan trọng giúp vận hành tốt.

Đối với vấn đề hợp đồng O&M, theo Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink, nhiều cơ quan nhà nước là một bên trong hợp đồng vẫn coi hợp đồng là công cụ quản lý nhà nước chứ không phải phương thức giao dịch, không quan tâm có cân bằng lợi ích hay không và thiếu đi yếu tố cốt lõi là bình đẳng. Một bản hợp đồng bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro trên tinh thần bình đẳng là then chốt để có được thành công của hợp đồng O&M nói riêng, PPP nói chung.

Ông Lê Đình Vinh cho rằng, cần có sự thống nhất trong hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động quản lý vận hành đường cao tốc, hiện đang được điều chỉnh bởi nhiều luật như Luật Giao thông đường bộ, Luật PPP, Luật Quản lý sử dụng tài sản công.

Tin cùng chuyên mục