Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Cần Giờ, TP.HCM: Vướng rừng phòng hộ, nhiều gói thầu bất động

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ, TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức về tiến độ khi những phát sinh vấn đề liên quan đến ranh giới đất của Dự án và đất rừng phòng hộ. Dự án gần 500 tỷ đồng với nhiều kỳ vọng để phát triển thủy sản cho TP.HCM chưa biết khi nào được gỡ vướng.
Phối cảnh Khu nông nghiệp công nghệ cao chuyên ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ
Phối cảnh Khu nông nghiệp công nghệ cao chuyên ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ

Dự án thủy sản công nghệ cao ấp ủ hơn 10 năm

TP.HCM đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao chuyên ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ từ năm 2016. Đây là Khu nông nghiệp công nghệ cao thứ 2 tại TP.HCM được thực hiện tại tiểu khu 21, khu vực Hào Võ, xã Long Hòa với diện tích khu đất xây dựng là 89,74 ha (diện tích sử dụng đất 85,21 ha). Dự án có tổng mức đầu tư 498.822.331.000 đồng, do Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Thời gian thực hiện là 2016 - 2021.

Theo Chủ đầu tư, Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động nghiên cứu khoa học, trình diễn thử nghiệm các mô hình sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ. Dự án dành khoảng 50 ha kêu gọi vốn đầu tư của doanh nghiệp, ước tính khoảng 760 tỷ đồng (15,3 tỷ đồng/ha). Đây cũng là dự án nằm trong danh mục kêu gọi nhà đầu tư tham gia theo hình thức PPP đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM công bố rộng rãi.

Thực tế, Dự án đã được Thành phố khởi động từ năm 2010 khi công bố Thông báo số 701/TB-VP ngày 15/11/2010 tại cuộc họp về Dự án Đầu tư mở rộng và phát triển Khu nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản nước lợ - mặn tại Hào Võ, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ. Dự án triển khai trên phần đất của Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (đã phá sản và giao lại cho Tổng công ty Thương mại Sài Gòn).

Ngày 1/2/2013, UBND TP.HCM đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại khu vực nêu trên. Ngày 12/8/2014, UBND TP.HCM phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của Dự án. Theo đó, khu vực quy hoạch được chia thành 3 khu vực:

Khu vực I tại trung tâm khu quy hoạch, tiếp cận đường rừng Sác, diện tích 12,641 ha, tập trung các công trình sự nghiệp gồm công trình quản lý điều hành, trại giống, ao nuôi thực nghiệm và ươm tạo, đất dự trữ mở rộng, công viên cây xanh và bãi xe ngoài trời.

Khu vực II bao quanh khu vực I, tiếp cận đường rừng Sác, diện tích 49,621 ha, dành cho các doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành thủy sản tham gia đầu tư.

Khu vực III, tiếp cận với rạch tự nhiên, diện tích 10,069 ha, là khu vực hồ nước với nhiệm vụ cấp nước và xử lý nước nuôi trồng gồm khu hồ lắng, trạm bơm cấp nước nuôi trồng, trạm xử lý nước thải. Khu vực này cũng dành 2,821 ha ven hồ quy hoạch cây xanh cảnh quan.

Chưa tìm được giải pháp

Theo kế hoạch ban đầu, dự kiến đến cuối năm 2018, Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động. “Tuy nhiên, vì có sự chồng lấn 1,5 ha giữa đất Dự án với đất rừng phòng hộ Cần Giờ mà Dự án đã án binh bất động gần 2 năm nay”, đại diện Chủ đầu tư trao đổi với Báo Đấu thầu.

Cụ thể, trong năm 2016, UBND TP.HCM có phê duyệt quy hoạch đất rừng phòng hộ Cần Giờ. Tuy nhiên, phương pháp thực hiện lại là chụp khung ảnh, dẫn tới bản đồ cho thấy đất Dự án lạm vào ranh hành lang an toàn rạch, quẹt mất luôn cả ranh. Do đó, khi Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM triển khai thi công hai gói thầu Thi công san lấp mặt bằng và Thi công xây dựng tường rào + cổng + nhà bảo vệ thì Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ phản ứng. Chủ đầu tư buộc phải dừng công tác thi công, dù cả hai gói thầu đều đạt khối lượng trên 92%.

“Ban rất hiểu việc chồng ranh giữa đất Dự án và đất rừng phòng hộ, thì đầu tiên phải ưu tiên đất rừng phòng hộ. Tuy nhiên, các bước tiếp theo để giải quyết nhằm thúc đẩy tiến độ Dự án cần phải quyết liệt hơn. Bởi, dẫu Thành phố đã giao nhiều sở, ngành, huyện Cần giờ vào cuộc nhưng vẫn chưa có lối ra”, đại diện Chủ đầu tư chia sẻ.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đã đề xuất trả lại đất rừng, điều chỉnh lại ranh, điều chỉnh lại Dự án. Tuy nhiên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là huyện Cần Giờ, vẫn chưa có ý kiến chính thức.

Như vậy, Dự án có 26 gói thầu, triển khai từ 2017 đến nay mới lựa chọn được 2 nhà thầu cho gói thầu xây lắp. Trong suốt 2 năm 2019 - 2020, không có bất kỳ gói thầu nào được triển khai.

Tin cùng chuyên mục