Khủng hoảng giá heo khiến tăng trưởng Masan giảm 9 tháng đầu năm

Doanh thu thuần trong 9 tháng đầu năm giảm 8,9% trong khi lợi nhuận sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số giảm gần 35%.
Tăng trưởng Masan giảm 9 tháng đầu năm do khủng hoảng giá heo.
Tăng trưởng Masan giảm 9 tháng đầu năm do khủng hoảng giá heo.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) vừa công bố kết quả kinh doanh cho 9 tháng đầu năm 2017.

Trong đó, doanh thu thuần hợp nhất trong 9 tháng đầu năm giảm 8,9% còn 27.451 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số giảm 34,4% còn 1.213 tỷ đồng.

Theo báo cáo, mức giảm này đến từ chiến lược giảm hàng tồn kho trong lĩnh vực thực phẩm - đồ uống và các khoản đầu tư một lần nhằm hợp nhất thị trường nguồn dinh dưỡng từ thịt.

Trong đó, Masan Nutri-Science (MNS) tiếp tục làm giảm kết quả kinh doanh hợp nhất của Masan trong bối cảnh giá heo hơi xuống dưới mức 30.000 đồng một kg trong thời gian dài.

Doanh thu quý III của Masan Nutri-Science tiếp tục giảm sâu 29% từ 6.500 tỷ xuống còn 4.600 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Masan Nutri-Science giảm 17%, còn 14.600 tỷ đồng. Lãi ròng của mảng kinh doanh này giảm từ 1.205 tỷ xuống 514 tỷ đồng.

Bù lại, MNS đã gia tăng thị phần thức ăn cho heo tăng từ khoảng 30% lên khoảng 39% trong 9 tháng đầu năm. Ban giám đốc đang đặt mục tiêu đạt khoảng 50% thị phần vào cuối năm và kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi vào năm 2018 khi tổng đàn heo đã giảm 45% và dịp Tết đang đến gần.

Bên cạnh đó, Masan Consumer Holdings (MCH) đã tăng trưởng trở lại trong quý III/2017, chủ yếu đến từ các mảng kinh doanh mới tiềm năng như nước tăng lực, bia và thịt chế biến. Kết quả này có được nhờ giảm mức hàng tồn kho tại hệ thống phân phối xuống thấp hơn cả mục tiêu đề ra, đẩy mạnh việc bán hàng đến người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực khoáng sản và chế biến khoáng sản (Masan Resources), giá vonfram tăng cao đem lại doanh thu cao kỷ lục trong 9 tháng đầu năm 2017, tạo đà tăng trưởng mạnh trong năm 2018. 

Doanh thu thuần đạt 3.928 tỷ đồng, tăng 39,9%, trong khi EBITDA (lợi nhuận trước lãi, thuế và khấu hao) tăng 40,8% . Ưu tiên chiến lược của Masan là chuyển hoá mô hình hoạt động của MSR thành một doanh nghiệp chế biến sâu vonfram tích hợp tầm cỡ thế giới.

Với dịch vụ tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2017, Techcombank (TCB) đạt lợi nhuận thuần 3.890 tỷ đồng, tăng trưởng 69,9% so với cùng kỳ năm 2016. Dự kiến, trong năm 2018, ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận nhờ vào mảng bán lẻ và thu nhập từ phí.

Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất năm 2017 sẽ giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2016 do ảnh hưởng của kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017.

Tuy nhiên, lợi nhuận trong năm 2017 được kỳ vọng sẽ tương đương với năm 2016 nhờ vào quản lý hoạt động kinh doanh tốt và thu nhập tài chính một lần từ việc Masan bán một số trái phiếu chuyển đổi của Techcombank. Ban giám đốc cũng ước tính tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cho 2018 sẽ ở mức hai chữ số.

Hiện, việc đảm bảo bảng cân đối kế toán vững mạnh vẫn là ưu tiên hàng đầu của Masan. Dự kiến, tổng nợ vay sẽ giảm 13% còn khoảng 35.700 tỷ đồng vào cuối năm 2017.

Tin cùng chuyên mục