Kiến nghị sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung về giá đất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị Chính phủ sớm ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giá đất”.
Cuối tháng 10/2023, Bộ Tài nguyên Môi trường đã trình Dự thảo Nghị định này và hiện đang trong quá trình lấy ý kiến các thành viên Chính phủ
Cuối tháng 10/2023, Bộ Tài nguyên Môi trường đã trình Dự thảo Nghị định này và hiện đang trong quá trình lấy ý kiến các thành viên Chính phủ

Trước đó, cuối tháng 10/2023, Bộ Tài nguyên Môi trường đã trình Dự thảo Nghị định và hiện đang trong quá trình lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.

Theo HoREA, Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể hơn về công tác định giá đất so với Luật Đất đai 2013.

Cụ thể, khoản 2 Điều 112 Luật Đất đai 2013 quy định, “giao Chính phủ quy định phương pháp định giá đất”. Điều này dẫn đến Nghị định số 44/2014/NĐ-CP vừa quy định 5 “phương pháp định giá đất", vừa quy định “áp dụng phương pháp định giá đất”.

Nhưng nay, khoản 5 Điều 158 Luật Đất đai 2024 chỉ quy định cụ thể 4 phương pháp định giá đất, bao gồm: “phương pháp so sánh”, “phương pháp thu nhập”, “phương pháp thặng dư”, “phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất”.

Điểm mới nữa là, cho phép “Chính phủ quy định phương pháp định giá đất khác chưa được quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” và khoản 6 Điều 158 Luật Đất đai 2024 cũng đã quy định cụ thể “trường hợp, điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất”.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, trong năm 2024, công tác định giá đất vẫn phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2013, cho nên rất cần thiết và cấp bách phải ban hành Nghị định sửa đổi.

Mục đích của việc làm này là để sớm tháo gỡ các vướng mắc về công tác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại trong cả nước.

Theo thống kê, chỉ riêng tại TP.HCM, hiện vẫn còn hơn 60.000 căn nhà thuộc các dự án trước đây chưa được cấp “sổ hồng”, chưa bao gồm hơn 10.000 căn nhà thuộc các dự án mới tăng thêm hàng năm. Tính trong phạm vi cả nước, hiện có hàng trăm nghìn căn nhà thuộc các dự án chưa được cấp sổ hồng.

Tham khảo ý kiến từ các doanh nghiệp bất động sản, đa số cho rằng, nếu kiến nghị này của HoREA được chấp thuận, các chủ đầu tư sẽ sớm hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai với Nhà nước, vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua nhà khi được cấp “sổ hồng”.

Tin cùng chuyên mục