Ở những gói thầu được tổ chức đấu thầu kiểu hình thức, các nhà thầu tham gia dưới dạng quân xanh, quân đỏ rồi phân công nhau trúng thầu để không bị “vỡ trận”. Ảnh: Công Hoàn |
Nhiều chiêu trò và dấu hiệu “lạ”
Ngay sau khi bài viết: “Ai “bảo kê” cho đấu thầu hình thức?” đăng trên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu đã gọi điện đến Báo phản ánh thêm thông tin. Hầu hết các ý kiến phản ánh đều cho rằng, tình trạng đấu thầu hình thức vẫn diễn ra “âm ỉ”, ở đâu đó trong một số lĩnh vực vẫn phổ biến. Theo phản ánh của một nhà thầu (xin được giấu tên) chuyên hoạt động trong ngành điện, tình trạng này này tương đối phổ biến trong ngành điện.
Nhà thầu nêu trên dẫn chứng, một trong những cách thức để đấu thầu hình thức là các chủ đầu tư/bên mời thầu và nhà thầu thực hiện dàn xếp mở thầu các gói thầu ở nhiều địa phương khác nhau vào cùng một thời điểm. Ở những gói thầu này, một số nhà thầu cùng tham gia đấu thầu dưới dạng quân xanh, quân đỏ rồi phân công nhau trúng thầu để không bị “vỡ trận”.
Thông tin từ các bên mời thầu cung cấp để công khai trên Báo Đấu thầu và Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, có hiện tượng một nhà thầu thường xuyên trúng thầu các gói thầu của một bên mời thầu. Trong hiện tượng này đáng chú ý là đa số gói thầu có giá trúng thầu khá sát nút so với giá gói thầu, thậm chí có giá trúng thầu y hệt giá gói thầu.
Không dừng lại ở ngành điện, không ít gói thầu của ngành y tế cũng có giá trúng thầu y hệt giá gói thầu. Kết quả lựa chọn nhà thầu 29 gói thầu thuộc Dự án Mua vật tư tiêu hao, hóa chất năm 2016 của Bệnh viện Thanh Nhàn công bố mới đây cũng cho thấy, có một nhà thầu đã trúng cùng lúc 4 gói thầu với giá trúng thầu hoàn toàn khớp với giá gói thầu.
Về tình trạng đấu thầu hình thức, trao đổi với Báo Đấu thầu, một nhà thầu có địa chỉ tại Thừa Thiên Huế cho biết: “Tình trạng này diễn ra từ khá lâu, âm ỉ ở nhiều địa phương, song nhà thầu không muốn phản ánh để tiện đường làm ăn”. Nhà thầu này khẳng định: “Nếu chúng tôi đi mua hồ sơ mời thầu mà không được “bật đèn xanh” cũng chẳng bao giờ trúng thầu. Chính vì thế, chuyện giá trúng thầu sát nút hay y hệt giá gói thầu cũng không có gì khó hiểu”.
Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm
Dưới góc nhìn của các chuyên gia về đấu thầu, các gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi mà giá trúng thầu gần như y nguyên giá gói thầu thì hoàn toàn có thể nghi vấn có sự không minh bạch trong đấu thầu. Theo kinh nghiệm của ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, việc giá dự thầu của nhà thầu khớp giá gói thầu là rất khó xảy ra, trong khi đó giá trúng thầu lại khớp giá gói thầu thì rất đáng nghi vấn. “Trong trường hợp này chúng ta có quyền nghi ngờ có sự dàn xếp, thông đồng giữa nhà thầu với chủ đầu tư/bên mời thầu” - ông Cận nhìn nhận.
Cho ý kiến về thực trạng này, ông Nguyễn Xuân Đào, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, câu chuyện đấu thầu hình thức vốn rất phức tạp. Việc chủ đầu tư/bên mời thầu thông đồng với nhà thầu để dàn xếp trúng thầu với giá trúng thầu y hệt giá gói thầu là một phần của câu chuyện này. “Phản ánh của nhiều nhà thầu cho thấy, còn không ít địa phương, chủ đầu tư/bên mời thầu vẫn thông đồng tổ chức đấu thầu theo kiểu của họ, mà không tuân thủ luật chơi chung là đấu thầu cạnh tranh, công bằng và minh bạch. Cách làm này là vi phạm pháp luật về đấu thầu, làm giảm hoặc mất đi tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động kinh tế này” – ông Đào nói.
Để hạn chế, chấm dứt đấu thầu hình thức như câu chuyện giá trúng thầu y hệt giá gói thầu nêu trên, ông Nguyễn Xuân Đào cho rằng, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động đấu thầu. “Không kiểm tra, không thanh tra thì khó có thể phát hiện sai phạm trong hoạt động đấu thầu. Sau kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu thầu mà phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm để hoạt động đấu thầu thực sự hiệu quả kinh tế” - ông Đào phân tích thêm.