Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tham dự Lễ công bố lô sữa xuất khẩu chính ngạch đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc |
Tại lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây không phải là nghi thức xuất khẩu một lô hàng thông thường, mà là một bước ngoặt đặc biệt quan trọng.
Dấu mốc phát triển
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra, ít nhất có 4 yếu tố đặc biệt của sự kiện này. Thứ nhất, sự hiện diện của hai ủy viên Bộ Chính trị (Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình) cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với sự kiện này nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Điều đó cũng thể hiện tiềm năng và hiệu quả mà ngành nông nghiệp mang lại.
Lâu nay, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vốn bị xem là khu vực khó khăn, cần hỗ trợ, các nguồn lực vẫn được xem ở dạng tiềm năng. Tuy nhiên, việc rất nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như TH vào cuộc và thành công trong lĩnh vực này đã xóa tan định kiến đó.
Thứ hai, lô sữa này sẽ khai thông hơn nữa đường đi chính ngạch của nông sản Việt vào Trung Quốc - thị trường lớn nhất thế giới với 1,4 tỷ dân, mỗi năm nhập khẩu đến 150 tỷ USD nông sản.
Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu lượng nông sản trị giá khoảng 8,5 tỷ USD sang Trung Quốc, chiếm 23% lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, với vị thế là quốc gia cận kề Trung Quốc, giá trị xuất khẩu như vậy vẫn còn rất nhỏ.
Với ngành nông nghiệp, sữa là nông sản đặc biệt, là ngành hàng khó nhất. Thời tiết Việt Nam không quá thuận lợi để nuôi bò sữa nhưng chúng ta đã đảm bảo các điều kiện để xuất khẩu. “Ngành hàng khó nhất chúng ta đã thực hiện được, các ngành hàng khác cũng sẽ làm được. Đó là điều cần nói để thấy rằng vì sao chúng tôi mừng đến mức như thế”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp sữa Việt Nam đã xuất khẩu sữa sang Trung Quốc. Chính vì thế, sau buổi lễ, một số ý kiến cho rằng, TH không phải là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu sữa sang Trung Quốc.
Các ý kiến đó đúng nhưng chưa đủ. Các doanh nghiệp trước đây, kể cả TH, đã mở cửa hàng đầu tiên tại Quảng Châu và bán sản phẩm chính ngạch vào các siêu thị lớn tại Trung Quốc từ năm 2017. Tuy nhiên, các lô hàng xuất khẩu trước đây là sản phẩm chế biến từ sữa dưới 80% (chủ yếu là sữa chua).
Việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số nhập khẩu chính thức cho TH để nhập lô hàng này tuân thủ theo các quy định về nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc tại Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được hai nước ký kết tháng 4/2019. Vì thế, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công nhận và ghi danh Công ty CP sữa TH là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu sữa chính ngạch, mở con đường tiến rộng, tiến sâu vào thị trường Trung Quốc. Hiện vẫn còn một số doanh nghiệp khác của Việt Nam đang tiếp tục được xem xét hồ sơ để xuất khẩu sữa chính ngạch vào Trung Quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, xuất khẩu sữa vào thị trường Trung Quốc là sự kiện đặc biệt quan trọng, bước ngoặt của nền nông nghiệp Việt Nam
Niềm tự hào hàng Việt
Với Tập đoàn TH, thị trường sữa Trung Quốc có những mối liên kết đặc biệt. Bà Thái Hương - nhà sáng lập Tập đoàn và cộng sự đã đặt mục tiêu “đưa ly sữa Việt Nam ra thế giới”, trong đó có Trung Quốc. Đó là những ly sữa sạch, an toàn, chất lượng quốc tế để khẳng định thương hiệu Việt, trí tuệ Việt.
Trong ngày công bố xuất khẩu lô sữa chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc, bà Thái Hương tự tin tuyên bố: “Sữa TH true MILK xuất khẩu sang Trung Quốc không có gì thay đổi so với sữa được bán tại Việt Nam, đó là một quy trình chung, chỉ thay đổi bao bì. Đó là niềm tự hào Việt Nam và chúng ta đừng mất rất nhiều tiền để nhập khẩu sữa nữa”.
Tiếp tục về những điều đặc biệt mà người đứng đầu ngành NN&PTNT đề cập về lô sữa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, điểm đặc biệt thứ 3 của sự kiện này là thể hiện việc tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng của Việt Nam.
“20 năm qua, bằng cơ chế, chính sách, doanh nghiệp cùng bà con nông dân đã có câu trả lời hôm nay. Không ngành hàng nào tăng trưởng 20% mỗi năm trong 10 năm qua, đây là điều mơ ước, rất phấn khởi, rất đáng mừng”, ông Cường khẳng định.
Thứ tư, vị tư lệnh ngành nông nghiệp khá tinh tế khi để ý và đề cập đến tính dân tộc của doanh nghiệp Việt trong sự kiện này. “80% doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp dân tộc (ý nói không phải là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - PV) nên sự kiện này đánh dấu sự vươn lên rất mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.