Chênh lệch tỷ giá gây gánh nặng tới 9.800 tỷ đồng cho EVN nhưng vẫn lãi 2.132,74 tỷ đồng. Ảnh: Tường Lâm |
Theo ông Tri, năm 2015, chênh lệch tỷ giá gây gánh nặng tới 9.800 tỷ đồng cho EVN. Trong năm 2015, EVN đã xử lý được 3.500 tỷ đồng nhờ tối ưu hoá chi phí, tăng lợi nhuận; phần còn lại phải chuyển sang số dư chênh lệch tỷ giá và được dự kiến phân bổ dần để đưa vào giá thành điện.
Cục Điều tiết Điện lực thuộc Bộ Công Thương cho biết, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015 là 234.736,14 tỷ đồng; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 là 1.633,74 đồng/kWh. Doanh thu bán điện năm 2015 là 234.339,52 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2015 là 2.529,36 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2015 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2015 EVN vẫn lãi 2.132,74 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo cơ quan kiểm toán độc lập, vẫn còn nhiều chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2015. Đó là chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2015 của các công ty sản xuất kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100%; chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2015 của khối các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của EVN (Công ty Nhiệt điện Hải Phòng; Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh) và cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP. HCM.
Đối với việc điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương cho biết, hiện giá cơ sở đang được tính toán và chưa có quyết định điều chỉnh giá điện. Năm 2017 nếu có biến động của giá cơ sở đầu vào, cụ thể như chi phí nhiên liệu, tỷ giá, tỷ lệ nguồn điện, chi phí mua điện cao hơn từ 7% thì mới tiến hành điều chỉnh.