Chính phủ cho biết, dư nợ của loạt dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả ngành công thương tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn. |
Chính phủ đã có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Báo cáo cho biết, một trong hai khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong quá trình xử lý tồn tại, yếu kém của một số dự án đó là tranh chấp hợp đồng EPC.
Trong tổng số 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, hiện nay có 5 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC.
Cụ thể là các dự án: Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Dự án cải tạo - mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, Dự án nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án Xây dựng Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên).
Phần lớn dự án đều do nhà thầu đến từ Trung Quốc đảm nhận. Trong đó, tranh chấp, vướng mắc chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: Chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất trong việc xác định giá trị quyết toán do thay đổi về thông số kỹ thuật, xuất xứ, số lượng thiết bị so với hợp đồng đã ký và khối lượng phát sinh ngoài nội dung hợp đồng đã ký;
Chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất trong việc xác định thuế phải nộp và tiền phạt chậm nộp thuế của Hợp đồng; Tranh chấp quyết toán chi phí chạy thử; Giá trị quyết toán thực tế không phù hợp với Hợp đồng EPC đã ký.
Ngoài ra còn xuất phát từ vấn đề yêu cầu bồi thường chi phí dịch vụ kỹ thuật kéo dài, chi phí bảo dưỡng khắc phục hư hỏng thiết bị, chi phí chờ đợi hướng dẫn lắp đặt thiết bị, chi phí thay đổi thiết kế, sửa chữa công trình đã thi công...
“Mặc dù các doanh nghiệp đã tích cực thực hiện đàm phán theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo nhưng đến nay vẫn không thành công”, báo cáo cho biết.
Theo đó, trước tình thế này, có 2 giải pháp xử lý được nêu ra là: Đưa ra trọng tài hoặc tòa án để phân xử, chủ đầu tư tự quyết toán theo quy định của Thông tư 64 đối với trường hợp nhà thầu không thực hiện quyết toán hợp đồng theo quy định hoặc không thực hiện các nội dung công việc để hoàn thành quyết toán.
Đối với giải pháp đưa ra phân xử thông qua trọng tài hoặc tòa án, các doanh nghiệp đã thuê tư vấn pháp lý, sau khi nghiên cứu hồ sơ, tư vấn đã khuyến cáo việc khởi kiện để xử lý tranh chấp Hợp đồng EPC (nhất là 3 dự án thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam) sẽ không thuận lợi và khả năng thắng kiện thấp, chi phí theo đuổi vụ kiện lớn, có thể chi phí cho việc phải trả tiền cho các nhà thầu khi thua kiện cộng với chi phí theo đuổi vụ kiện sẽ cao hơn tổng số tiền đang còn tranh chấp trong các hợp đồng EPC.
Còn đối với giải pháp chủ đầu tư tự quyết toán, báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Theo quy định tại Thông tư 64/2018/TT-BTC, trường hợp nhà thầu không thực hiện quyết toán hợp đồng theo quy định hoặc không thực hiện các nội dung công việc để hoàn thành quyết toán, thì chủ đầu tư sau 3 lần gửi văn bản yêu cầu nhà thầu không trả lời căn cứ hồ sơ thực tế đã thực hiện để lập hồ sơ quyết toán, thuê kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán (nếu có) và thực hiện quyết toán hợp đồng EPC (không cần có quyết toán A-B).
“Tuy nhiên, do còn tranh chấp nên hồ sơ thực tế cũng chưa có đầy đủ để lập hồ sơ tự quyết toán. Do đó, để xử lý được tồn tại này, Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc chủ đầu tư tự quyết toán dự án phù hợp hơn với tình hình thực tế của các dự án hiện nay”, báo cáo cho biết.
Tại Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng Ban đã chỉ đạo trách nhiệm xử lý tranh chấp sớm để quyết toán được các hợp đồng EPC là của các tập đoàn, tổng công ty và chủ đầu tư dự án; yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty chủ động sử dụng tư vấn luật để hệ thống lại toàn bộ hợp đồng EPC đối với từng dự án, rà soát kỹ các nội dung còn tranh chấp, vướng mắc, đánh giá khả năng hòa giải, xử lý khởi kiện hoặc chấm dứt hợp đồng để lựa chọn phương án xử lý dứt điểm tối ưu, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Về tình hình “sức khoẻ" của 12 đại dự án kém hiệu quả này, báo cáo của Chính phủ cho biết, đến nay, chỉ có 2 dự án, doanh nghiệp có lãi, trong đó 1 doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế. Cụ thể, đó là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng với lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 227,5 tỷ đồng, năm 2019 ước đạt 6,262 tỷ đồng, nhà máy thép Việt - Trung lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 397 tỷ đồng.
Có 2 dự án, doanh nghiệp giảm được lỗ nhưng chưa bền vững, 1 dự án, doanh nghiệp dừng hoạt động nay đã vận hành trở lại. 7 dự án còn lại vẫn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động.
Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2018, năm 2019: Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 134 tỷ đồng, Công ty DQS giảm lỗ 64,04 tỷ đồng, Nhà máy đạm Hà Bắc tăng lỗ 239 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai tăng lỗ 178,2 tỷ đồng.