Luật Thuế tài sản: Lo ngại “thuế chồng thuế”

(BĐT) - Luật Thuế tài sản nếu được ban hành tại thời điểm hiện nay sẽ xảy ra tình trạng "thuế chồng thuế", do người tiêu dùng (người mua nhà) vừa phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, vừa phải nộp thuế tài sản.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, việc áp dụng thuế suất 0% đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở xuống là chưa thỏa đáng. Ảnh: Tường Lâm
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, việc áp dụng thuế suất 0% đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở xuống là chưa thỏa đáng. Ảnh: Tường Lâm

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu về việc mới đây Bộ Tài chính đề xuất ban hành Luật Thuế tài sản, nhiều ý kiến cho rằng, nếu tình trạng “thuế chồng thuế” xảy ra, không những tác động đến mặt bằng giá cả nói chung mà trực tiếp là giá cả trên thị trường bất động sản, mà còn làm giảm phần nào hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp dẫn tới khả năng sụt giảm giao dịch trên thị trường địa ốc.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Bộ Tài chính cần phải đề xuất áp dụng thuế suất 0% đối với nhà ở có giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống để hỗ trợ thiết thực cho những người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp trong xã hội. Bởi, dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính chỉ đề xuất áp dụng thuế suất 0% đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở xuống là chưa thỏa đáng.

Đại diện một doanh nghiệp bất động sản lớn ở TP.HCM cho biết, việc đề xuất ban hành Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính, trong đó có đối tượng chịu thuế là tài sản nhà ở, đất ở đã được giới đầu tư bất động sản quan tâm suốt thời gian qua. Theo vị này, việc người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp tỏ ra quan ngại với Luật Thuế tài sản là hoàn toàn chính đáng và có cơ sở.

“Ở nước ta, hiện nay chưa thu thuế nhà ở, nhưng rõ ràng để có một căn nhà, người dân phải đóng nhiều loại thuế, phí như: thuế sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, phí công chứng, phí đo vẽ, phí cấp mới giấy chứng nhận…  Nay, Bộ Tài chính lại đưa ra thêm thuế tài sản thì khó khăn chồng chất khó khăn vì thuế đang chồng lên thuế. Đành rằng, Luật Thuế tài sản được áp dụng ở đa số các nước trên thế giới, là nguồn thu quan trọng, ổn định và bền vững của ngân sách nhà nước tại địa phương, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, nhưng mỗi nơi một khác”, vị này chia sẻ.

Trong văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính ngày 14/4/2018 liên quan đến vấn đề này, HoREA cho hay, ở nước ta, "tiền sử dụng đất" đang là "ẩn số", là "gánh nặng", cách tính tiền sử dụng đất đang tạo ra cơ chế "xin-cho", nhũng nhiễu và doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục hành chính này. Đặc biệt, “tiền sử dụng đất" đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nhà ở, như chiếm khoảng trên dưới 10% trong giá thành căn hộ chung cư; chiếm khoảng trên dưới 30% trong giá thành nhà phố; chiếm khoảng trên dưới 50% trong giá thành biệt thự.

Do vậy, việc xây dựng dự án Luật Thuế tài sản (đánh thuế đất ở, nhà ở) cần đi đôi với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính "tiền sử dụng đất", theo hướng quy định "tiền sử dụng đất" là một sắc thuế đánh trên hoạt động "chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở", với thuế suất khoảng 10-15%, tính trên bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành, được điều chỉnh hàng năm phù hợp với giá thị trường, để đảm bảo tính minh bạch, loại trừ cơ chế "xin-cho", để giảm mức thu "tiền sử dụng đất" rất nặng hiện nay về mức hợp lý hơn.

Ngoài ra, có điểm khác biệt cơ bản là ở các nước khác thì đất đai thuộc sở hữu tư nhân, không có khoản thu ngân sách "tiền sử dụng đất" như ở nước ta. "Tiền sử dụng đất" hiện nay không phải là một sắc thuế vì đang được quy định bởi Luật Đất đai, và là một nguồn thu quan trọng của ngân sách. Vì thế, dù nhận thức được sự cần thiết xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó, có thuế đất ở, nhà ở, tuy nhiên HoREA cho rằng, về thời điểm ban hành, nên sau thời điểm năm 2020 thì phù hợp hơn.

Tin cùng chuyên mục