Do thiếu mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công tại một số dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư vẫn là con số 0. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Qua tìm hiểu tại một số chủ đầu tư cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ giải ngân như: chưa có vốn đối ứng của Tỉnh nên chưa rút được vốn ODA, phải xin ý kiến chỉ đạo để xử lý tình huống trong đấu thầu... Trong đó, vướng mắc lớn nhất là chậm giải phóng mặt bằng.
Chẳng hạn tại Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét (tổng mức đầu tư 981,591 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2020 - 2023) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, lũy kế bố trí vốn đến hết năm 2020 là 200 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2021 là 100 tỷ đồng, nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân vẫn là 0%. Đây cũng là tình trạng chung tại 2 dự án khác của chủ đầu tư này. Đó là, Chương trình Mở rộng quy mô và vệ sinh nước sạch nông thôn dựa trên kết quả tại 21 tỉnh (tổng mức đầu tư 210,18 tỷ đồng); Dự án Sửa chữa, nâng cấp kênh Đạ Ròn huyện Đơn Dương, kênh N3 Đạ Đờn huyện Lâm Hà, kênh cấp 1 Cam Ly Thượng, huyện Lâm Hà (19 tỷ đồng).
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, cán bộ của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Theo cam kết của Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh, dự kiến trong tháng 9/2021 sẽ hoàn thành việc bàn giao mặt bằng sạch để khởi công Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét. Chủ đầu tư phấn đấu giải ngân từ 95 - 100% kế hoạch vốn. Riêng về công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu (LCNT) dự án này, Chủ đầu tư khẳng định, tiến độ vẫn đảm bảo. Tháng 10/2020, Sở NN&PTNT đã phê duyệt kế hoạch LCNT của 2 gói tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư và tư vấn giám sát khảo sát giai đoạn lập dự án đầu tư (10,701 tỷ đồng). Tháng 7/2021, Chủ đầu tư phê duyệt một phần kế hoạch LCNT thuộc Báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng Dự án đối với 9 gói thầu (tổng giá dự toán là 39,73 tỷ đồng). Trong đó, Gói thầu số 02 Tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán và cắm mốc giải phóng mặt bằng; xây dựng, thí nghiệm mô hình thủy lực; khảo sát, lập phương án - dự toán thu dọn, vệ sinh lòng hồ đang trong quá trình phát hành hồ sơ mời thầu (đóng thầu vào ngày 26/8/2021).
Các dự án tại Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng dù có tỷ lệ giải ngân cao hơn nhưng vẫn gặp khó khăn do chậm giải phóng mặt bằng. Đơn cử như Dự án Đường gom cao tốc Liên Khương - Prenn triển khai tại huyện Đức Trọng với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng, dù đã hoàn thành LCNT đối với Gói thầu số 04 Thi công xây dựng (Công ty TNHH Hưng Nguyên trúng thầu với giá 39,835 tỷ đồng) nhưng vẫn chưa được bàn giao mặt bằng. Theo một cán bộ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Tỉnh (bên mời thầu), Dự án đang vướng ở hạng mục di dời công trình điện và cây xăng trên tuyến...
Để khắc phục những khó khăn này, bảo đảm thực hiện mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công được giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đôn đốc các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án theo chỉ đạo của UBND Tỉnh; xây dựng bảng tiến độ thực hiện và giải ngân cụ thể của từng dự án theo tháng, quý để làm cơ sở triển khai theo kế hoạch, bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm 2021.
Về giải pháp khắc phục, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, trong quá trình lập, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, chủ đầu tư cần chỉ đạo đơn vị tư vấn xác định đúng phạm vi thực hiện dự án, diện tích đất, cây trồng, số lượng vật kiến trúc…
Thời hạn rà soát, lập danh mục các dự án chuyển tiếp có tỷ lệ giải ngân dưới 60%, các dự án khởi công mới có tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn là trước ngày 30/9/2021. Đối với các dự án chậm tiến độ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất UBND Tỉnh xem xét không bố trí kế hoạch vốn năm 2022 cho dự án.