Máy bay “bỏ rơi” 12 năm tại Nội Bài: Đã có người hỏi mua cho... vui!

Chiếc Boeing B727-200 của Campuchia “bỏ rơi” từ năm 2007 ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) đã có một số đơn vị trả giá từ 100 - 200 triệu đồng, nhưng theo nhà chức trách hàng không các đơn vị này không nhiệt tình “mua - bán” mà hỏi xong bỏ đó, hỏi mua cho… vui!
Chiếc Boeing 727 - 200 "phơi mưa, phơi nắng" ở sân bay Nội Bài 12 năm qua
Chiếc Boeing 727 - 200 "phơi mưa, phơi nắng" ở sân bay Nội Bài 12 năm qua

Máy bay Boeing 727-200 nói trên từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines - Campuchia. Sau khi khai thác được vài chuyến bay trên chặng Siêm Riệp - Hà Nội thì gặp sự cố kỹ thuật và ngừng bay, đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007. Chiếc Boeing B727 bị “bỏ rơi” tại Nội Bài là loại máy bay hành khách dân sự có 3 máy phản lực đuôi đầu tiên trên thế giới, chở được tối đa 134 hành khách. Hiện bên ngoài máy bay đã bị bạc màu, phủ rêu.

Trao đổi với PV, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc - cho biết, chiếc máy bay vẫn nằm im tại chỗ và chưa được di chuyển đi vị trí khác. Việc thẩm định và bán đấu giá chiếc máy bay cũng đang diễn ra.

“Một số đơn vị trong ngành hàng không ngỏ ý quan tâm tới chiếc máy bay để phục vụ diễn tập cứu hộ, phòng cháy chữa cháy, diễn tập chống khủng bố hoặc làm giáo cụ đào tạo. Một số đơn vị khác cũng trả giá từ 100-200 triệu đồng, nhưng hỏi mua xong bỏ đó. Họ không quyết liệt, không nhiệt tình mua bán chiếc máy bay này.” - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc thông tin.

Bên trong chiếc máy bay bị "bỏ rơi"

Theo Cục Hàng không Việt Nam, có 2 phương án để xử lý là bán đấu giá hoặc giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Cục Hàng không đang nghiêng về phương án giao cho ACV, cụ thể là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhằm phục vụ diễn tập trong ngành, bởi đây là đơn vị đang trực tiếp quản lý chiếc máy bay này, giữ máy bay tại chỗ sẽ giảm thiểu chi phí vận chuyển.

Về phương án bán đấu giá, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chiếc máy bay có tuổi cao, sản xuất từ nhiều thập kỷ trước và hiện không còn được sử dụng phổ biến nữa thì không có chiếc cùng loại để so sánh. Hơn nữa, việc thanh lý máy bay ở Việt Nam chưa có tiền lệ nên gặp nhiều khó khan.

Trước đó, cơ quan thẩm định giá đã “chào thua” vì chiếc máy bay không có đủ hồ sơ, tài liệu để định giá. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam không có cơ sở đưa ra giá khởi điểm để thực hiện đấu giá tài sản... Cần phải nhắc lại rằng, vài năm trước, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản đề nghị nhà chức trách hàng không Campuchia có biện pháp đưa máy bay về nước để “giải phóng” vị trí đỗ tại sân bay Nội Bài.

Buồng lái máy bay Boeing 727-200 sau hàng chục năm không vận hành

Tuy nhiên, Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia cho biết, giấy chứng nhận người khai thác tàu bay của Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi, đồng nghĩa với việc máy bay B727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Cơ quan này đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xử lý chiếc máy bay Boeing 727 theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo xác lập quyền sở hữu Nhà nước và phương án xử lý đối với máy bay Boeing B727-200 của Campuchia tại Nội Bài, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc bán đấu giá tài sản theo đúng quy định pháp luật.

Hiện số phận của chiếc máy bay vẫn “bi đát” như chính hình hài của nó bị bỏ rơi ở Nội Bài suốt 12 năm qua. Sau 12 năm “phơi mưa, phơi nắng” nên máy bay đã hết khả năng bay và không thể khôi phục. Chuyên gia kinh tế hàng không thì cho rằng máy bay nếu có bán được thì cũng chỉ có giá như sắt vụn và thật “nực cười” về chuyện mang “rác” đổ sang nhà người khác.

Tin cùng chuyên mục