Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo sẽ thu hút thêm nhiều nguồn lực khi có hành lang pháp lý rõ ràng |
Giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn
Không giấu nổi vẻ hào hứng khi nói về Nghị định 38, bà Đỗ Tú Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) cho biết: “Chúng tôi đã chờ đợi khung pháp lý về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo hơn 1 năm nay. Trước đó, dù nguồn tiền từ các nhà đầu tư đã có nhưng không thể thành lập được quỹ đầu tư khởi nghiệp do các thủ tục thành lập không được xử lý”.
Lý do là, nếu căn cứ vào quy định pháp lý trước thời điểm Nghị định 38 được ban hành, thì chỉ có quy định về quỹ đầu tư chứng khoán theo Luật Chứng khoán, với rất nhiều điều kiện chặt chẽ như phải có ít nhất 100 nhà đầu tư và tổng giá trị chứng chỉ quỹ đã bán đạt ít nhất 50 tỷ đồng với quỹ đại chúng; 30 thành viên góp vốn pháp nhân và vốn thực góp tối thiểu là 50 tỷ đồng với quỹ thành viên…
Vướng nhiều khó khăn trong quá trình thành lập, một số nhà đầu tư đã quyết định thành lập công ty theo Luật Doanh nghiệp với mục đích đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, tại luật này cũng chưa có quy định về đầu tư vào các DN khởi nghiệp sáng tạo trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Các hoạt động đầu tư tài chính có quy định như công ty tài chính, đầu tư chứng khoán, tổ chức tài chính vi mô, tổ chức tín dụng phi ngân hàng… đều là các hoạt động kinh doanh có điều kiện với các quy định cấp phép đặc thù.
Khoảng trống pháp lý suốt nhiều năm qua chính là điều mà cả các nhà đầu tư cũng như những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ DN khởi nghiệp như bà Tú Anh lo ngại. Tuy nhiên, với việc ban hành Nghị định 38, hoạt động quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đã được xác định rõ là thực hiện theo điều lệ của quỹ, các hợp đồng ký kết với quỹ (nếu có) và không chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật về chứng khoán. Hơn hết, địa vị pháp lý của các công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đã được xác định rất rõ với những hướng dẫn cụ thể về thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đó là chưa kể, việc ghi nhận cơ sở pháp lý về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo còn tạo điều kiện để các DN có thể hạch toán được các khoản đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cũng như nhận được các cơ chế ưu đãi riêng.
“Các DN khởi nghiệp thường tìm nhiều cách để có vốn. Nếu các quỹ bên ngoài hoạt động thuận lợi hơn, họ sẽ chuyển dự án ra nước ngoài. Chính vì vậy, việc ban hành khung khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo sẽ giúp DN có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn từ các quỹ đầu tư được thành lập ở trong nước, hạn chế việc các DN chuyển dự án ra nước ngoài để đảm bảo an tâm hoạt động”, bà Tú Anh nhận định.
Tạo cơ hội thu hút nhiều nguồn lực mới
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, thực tế trước khi có Nghị định 38, lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo đã được nhiều nhà đầu tư rót vốn. Dòng vốn này chảy vào các DN dưới nhiều dạng thức khác nhau, chủ yếu là do các nhà đầu tư có hứng thú riêng với hoạt động này. Chính vì vậy, khi đã có hành lang pháp lý, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo chắc chắn sẽ thu hút thêm nhiều nguồn lực mới.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, rất nhiều DN khởi nghiệp Việt Nam đã phải đăng ký kinh doanh ở Singapore hay Mỹ để có thể nhận vốn đầu tư một cách nhanh chóng hơn. Xu hướng chảy máu DN khởi nghiệp này đang đặt ra cho những người làm chính sách những đòi hỏi cao hơn về việc phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Nếu hành lang pháp lý không phát triển kịp thời để đáp ứng được những mối quan hệ khá phức tạp của hoạt động này thì khởi nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với khu vực và thế giới.