Mỗi tháng hơn 9.000 DN rút lui khỏi thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bên cạnh những tín hiệu tích cực đến từ số doanh nghiệp (DN) gia nhập và tái gia nhập thị trường, thì số liệu về DN rút lui khỏi thị trường tiếp tục thể hiện những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đến cộng đồng DN.
Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp trong 7 tháng đầu
năm 2020 là 1,160 triệu tỷ đồng, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Lê
Tiên
Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2020 là 1,160 triệu tỷ đồng, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Điều này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp tổng thể để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tâm lý e ngại

Tháng 7/2020, các hoạt động đời sống, kinh tế - xã hội trong nước dần được khôi phục, những chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân, DN đang được triển khai và bắt đầu có những hiệu quả nhất định.

Cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận, cả nước có 13.200 DN đăng ký thành lập mới trong tháng 7 với tổng số vốn đăng ký là 239.297 tỷ đồng, tăng 6,9% về số DN và tăng 71,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, cả nước có 75.249 DN thành lập mới, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019, mức giảm sút lần đầu ghi nhận trong 7 tháng đầu năm kể từ năm 2015 đến nay (tỷ lệ tăng trung bình giai đoạn 2015 - 2019 là 13,7%).

Số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2020 từ hoạt động đăng ký DN đạt gần 2,1 triệu tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, số vốn đăng ký của DN thành lập mới là 936.386 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2019. Số vốn đăng ký tăng thêm của các DN là 1,160 triệu tỷ đồng, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm 2019 với 20.957 DN đăng ký tăng vốn.

“Việc tổng lượng vốn đăng ký tăng thêm của các DN đang hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước cho thấy tâm lý e ngại của các nhà đầu tư và chủ DN do bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19”, một cán bộ cơ quan đăng ký kinh doanh nhận xét.

Phân theo lĩnh vực hoạt động của các DN đăng ký thành lập mới trong 7 tháng, có tới 15/17 ngành có số lượng DN thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019. Điển hình là nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 40,3%; hoạt động dịch vụ khác giảm 29%; kinh doanh bất động sản giảm 23,9%...

Không chỉ giảm lượng vốn đăng ký tăng thêm, số DN tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và DN giải thể tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2019. Trong 7 tháng, cả nước có 63.461 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, trung bình mỗi tháng có hơn 9.000 DN rút lui khỏi thị trường.

Cơ quan đăng ký kinh doanh cũng chỉ ra, tỷ lệ gia tăng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của 7 tháng đầu năm trong giai đoạn 2015 - 2019 không có sự đột biến với mức trung bình là 28,1%. Tuy nhiên, số lượng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm 2020 là trên 32.700 DN, tăng 41,5% với cùng kỳ năm 2019.

Cần hỗ trợ DN nhanh, hiệu quả

Chính phủ đã nhìn nhận, tiên lượng được những tác động của đại dịch Covid-19 và thực tế đã có các gói giải pháp nhanh, kịp thời để hỗ trợ DN. Tuy nhiên, trên thực tế, các gói giải pháp này chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, mà một trong những nguyên nhân là việc triển khai thực hiện còn chậm trễ, vẫn còn rào cản đối với DN.

Một chuyên gia về môi trường kinh doanh nhìn nhận, trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng nặng nề tới DN thì việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần phải được chú trọng. Song trên thực tế, từ đầu năm tới nay, cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh đang chững lại. Khảo sát thực tế cho thấy, hiện hầu hết các bộ mới chỉ đăng tải công khai các điều kiện kinh doanh, nhưng chưa có hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương hoặc đơn vị thực thi. Các bộ cũng chưa theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả, hiệu lực thực thi những cải cách này.

Cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu cũng chững lại, ít chuyển biến. Những vướng mắc, bất cập về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được phản ánh nhiều lần, nhiều nơi, song vẫn chậm được giải quyết.

Đặc biệt, nhìn vào cơ hội kinh doanh cho DN, một chuyên gia kinh tế chỉ ra, DN phải mất tới nửa năm mới hoàn thiện được thủ tục để đầu tư. Ngay như việc khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, đầu năm nay, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, tới thời điểm này, bà Bùi Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty Angle Energy cho biết, DN vẫn rất khó đầu tư vì thiếu hướng dẫn.

Trong khi đó, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự sống còn của DN. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, cũng như thực hiện tổng thể các gói giải pháp để tiếp sức cho DN.

Tin cùng chuyên mục