Mua bán điện trực tiếp sẽ tạo môi trường cạnh tranh tốt hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc đầu tháng 7 năm nay Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ điện lớn không chỉ giúp cho các bên thoát khỏi sự phụ thuộc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và lưới điện quốc gia, mà còn hứa hẹn tạo ra một môi trường cạnh tranh tốt hơn.
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Từ trước đến nay, một là doanh nghiệp (DN) tự lắp đặt hệ thống điện năng lượng tái tạo và sử dụng; hai là phải mua bán điện thông qua EVN, không được bán lượng điện dư ở phương án một cho bên khác ngoài EVN. Tuy nhiên, với DPPA, bên sản xuất điện và bên có nhu cầu mua điện được thỏa thuận trực tiếp về việc mua bán điện mà không thông qua các công ty điện lực của EVN.

DPPA quy định 2 cách mua bán điện trực tiếp, một là qua đường dây kết nối riêng giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn; hai là qua lưới điện quốc gia. Với cách thứ nhất, 2 bên thỏa thuận về giá cũng như những điều khoản khác và tự chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành đường dây kết nối riêng. Cách thứ hai thì người bán và người mua, bao gồm đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm có thể ký với nhau hợp đồng kỳ hạn để quản trị rủi ro về giá đối với mức sản lượng điện nhất định.

Chủ đầu tư một nhà máy chế biến thủy sản ở Khu công nghiệp Đông Xuyên (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, lợi ích trước tiên là DPPA có thể giúp DN giảm phụ thuộc vào EVN, tránh rủi ro biến động giá điện hàng năm của EVN. Đặc biệt, cơ chế này còn giúp DN có thể mua điện với giá thấp hơn 15 - 30% so với giá điện của EVN. Những tác động trực tiếp và tích cực này dự báo giúp cho DN quản lý được sự biến động giá điện và tiết kiệm tiền điện hàng tỷ đồng mỗi năm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Phạm Hữu Hậu bình luận, cơ chế DPPA là rất cần thiết, giúp khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào các dự án năng lượng tái tạo trong nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững về môi trường và nâng cao hiệu quả của thị trường điện ở Việt Nam. Đặc biệt, sẽ giảm sự được phụ thuộc vào EVN và lưới điện quốc gia, tạo ra môi trường cạnh tranh tốt hơn cho các bên tham gia.

Tại Quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 15/5/2023 cho hay, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như tiếp tục mở rộng công suất điện (đạt trên 150.000 MW vào năm 2030 và đạt gần 600.000 MW vào năm 2050), trong đó năng lượng tái tạo dự kiến sẽ đóng vai trò chính trong quá trình thực hiện lộ trình này.

Lâu nay, nhất là vào mùa khô, việc thiếu điện sản xuất và sinh hoạt diễn ra triền miên, đặc biệt là ở miền Bắc. Cho nên, việc khuyến khích tăng cường năng lượng tái tạo có thể giảm và hướng đến việc giải quyết vấn đề thiếu điện của Việt Nam về dài hạn. Đứng ở góc độ đầu tư, các công ty hiện đang sở hữu các dự án năng lượng tái tạo sẽ được hưởng lợi chính. Trong đó, các dự án nằm gần khu vực sản xuất như khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Số liệu thống kê gần đây cho thấy, cả nước hiện có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 9.500MW. Chủ đầu tư các dự án này cùng với các DN đều mong muốn được tiếp cận năng lượng tái tạo, nhất là các DN trong các khu công nghiệp.

Kết quả phân tích của các công ty chứng khoán công bố gần đây cũng cho biết, sau khi DPPA được ban hành, các DN, nhất là DN niêm yết có đầu tư vào lĩnh vực này như HDG, PC1, GEG, REE… được hưởng lợi từ cơ chế này khá nhiều.

Trong đó, HDG có các dự án điện gió dự tính triển khai với tổng công suất khoảng 828 MW. CC1 có thể được hưởng lợi bằng cách tận dụng chuyên môn trong việc lắp đặt năng lượng tái tạo và lượng khách hàng tiềm năng tại các khu công nghiệp do PC1 và các công ty liên kết phát triển. GEG là công ty đang có 2 dự án năng lượng tái tạo chờ triển khai: Đức Huệ 2 (năng lượng mặt trời, 49 MWp) và VPL Bến Tre giai đoạn 2 (điện gió, 30 MW). REE hiện có dự án V1-3 giai đoạn 2 (điện gió), V1-5 và V1-6 (điện gió) với tổng công suất khoảng 128 MW.

Có thể nói, DPPA không những mang đến lợi ích cho các bên liên quan, mà còn hướng tới xanh hóa nền kinh tế bằng cách thay thế các nguồn năng lượng sạch. Quan trọng hơn, cơ chế này sẽ tiền đề nhằm khuyến khích phát triển thị trường bán buôn điện Việt Nam (VWEM) và là cơ sở để sau này tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Việt Nam (VREM).

Tin cùng chuyên mục