Các chủ đầu tư “tay ngang” không dễ kiếm ăn trên thị trường bất động sản. Ảnh: Dũng Minh |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tại thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 21/2011/QH13 thì tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm mà các tập đoàn, tổng công ty cần phải thoái là 23.325 tỷ đồng. Lũy kế đến tháng 10/2015, số vốn đã thoái được là 9.866 tỷ đồng, nhưng lại đầu tư thêm 4.538 tỷ đồng do các đơn vị này được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ các khoản đầu tư ngoài ngành.
Tuy nhiên, theo một số ý kiến, rất có thể, số thoái vốn không được như con số trên nếu xét một số trường hợp tập đoàn thoái vốn bằng cách đổi tên đơn vị thành viên. Báo cáo nói trên bao gồm số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.
Trong giai đoạn thị trường bất động sản phát triển nóng, năm 2007, Công ty cổ phần Bất động sản Dệt may (VinatexLand) ra đời. Vinatex và một loạt các công ty con như Tổng công ty cổ phần Phong Phú, Tổng công ty Dệt may Hà Nội… là những cổ đông sáng lập của công ty này với hy vọng có được lợi nhuận từ thị trường nhà đất.
Tháng 5/2013, sau khi tổ chức ĐHCĐ và thông qua chủ trương đổi tên, VinatexLand đã làm thủ tục đổi tên thành Công ty cổ phần Hạ tầng công nghiệp và sản xuất kinh doanh dệt may (Vinatex ITC). Theo định hướng mới, Công ty sẽ phát triển hạ tầng công nghiệp, đầu tư bất động sản, đầu tư trực tiếp vào ngành dệt may.
Tại thời điểm đổi tên, Công ty có thông báo nêu rõ, Vinatex ITC có 38 cổ đông, trong đó có 11 cổ đông tổ chức và 27 cổ đông cá nhân với vốn điều lệ là 170,2 tỷ đồng. Các cổ đông tổ chức gồm Vinatex (26,44%) và các công ty con, công ty liên kết như Tổng công ty cổ phần Phong Phú (15,19%), Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (12,27%), Công ty cổ phần May Phương Đông, Tổng công ty May 10, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, Công ty cổ phần TM Dệt may TP. HCM…
Theo báo cáo của HĐQT Công ty, sau khi đổi tên, tái cơ cấu, Vinatex ITC tập trung 2 hoạt động chính là phát triển hạ tầng công nghiệp và kinh doanh bất động sản. Theo đó, Vinatex ITC có nhiều dự án như Dự án Khu đô thị Dệt may Nam Định, dự án chung cư cao tầng kết hợp thương mại và nhà phố liền kề tại 102 Đặng Văn Bi (TP. HCM), dự án cao ốc văn phòng và căn hộ tại Bến Chương Dương (TP. HCM); Dự án chung cư cao tầng Phúc Thịnh Đức tại Phước Long A (quận 9, TP. HCM)…
Tuy nhiên, vào tháng 9/2015, Vinatex ITC đã công bố kế hoạch sáp nhập vào Công ty cổ phần Đầu tư Phước Long. Đến nay chưa có thông tin về kết quả của thương vụ sáp nhập này, song theo kế hoạch sáp nhập thì kết quả hoạt động của Vinatex ITC trong quá khứ trồi sụt thất thường. Cụ thể, năm 2012, lợi nhuận gộp là âm (-) 238 triệu đồng, năm 2013 lợi nhuận gộp là 16,8 tỷ đồng, nhưng năm 2014 chỉ còn 60 triệu đồng.
Nhìn sơ qua Công ty cổ phần Đầu tư Phước Long thì công ty này có vốn gốp của Tổng công ty cổ phần Phong Phú. Với tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:1, thì sau khi sáp nhập, Vinatex, Phong Phú và các cổ đông khác trong cùng tập đoàn vẫn có chân trong thị trường bất động sản.
Gần đây, Công ty cổ phần PVI, một công ty có vốn nhà nước đã thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Đầu tư PV2, công ty chủ yếu đầu tư bất động sản. Theo đăng ký, PVI thoái 32,52% vốn điều lệ, tương ứng với hơn 11 triệu cổ phần tại PV2 theo phương thức khớp lệnh và giao dịch. Toàn bộ hơn 11 triệu cổ phần này do Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI mua hết. Công ty này mới được cấp phép hoạt đồng hồi tháng 2/2015 và PVI góp 35%, Tổng công ty Bảo hiểm PVI, công ty con của PVI góp 30%. Như vậy, "họ PVI" đã nắm 65% cổ phần tại CTCP Quản lý quỹ PVI. Không rõ PVI thoái vốn ở mức giá nào, nhưng hiện trên sàn, giá PV2 chỉ trên 2.000 đồng/CP. Được biết, gần đây, Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI đã đăng ký thoái toàn bộ phần vốn tại PV2 thời gian giao dịch từ 6/4 - 4/5/2016.