Hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là cần thiết, song phải cân đối để bảo đảm vận hành hiệu quả các hoạt động của nền kinh tế. Ảnh: Nhã Chi |
Giải pháp đúng và trúng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Ngay sau khi văn bản này được ban hành, NHNN nước tiếp tục có quyết định giảm một loạt các lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) có thêm nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp cầm cự qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, phía trước còn nhiều khó khăn, chính vì vậy, các NHTM phải hành động quyết liệt, khẩn trương hơn nữa, tích cực triển khai nhiều gói giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Về phía chính sách tài khóa, Bộ Tài chính cho biết đang hoàn tất Dự thảo Nghị định quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn do dịch Covid-19.
Đây là hai giải pháp chủ yếu và được kỳ vọng giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh. Tác dụng đầu tiên được nhìn nhận rõ trên thị trường là hầu hết các NHTM đều giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng từ mức trần cũ 5%/năm xuống mức trần mới 4,75%/năm. Các kỳ hạn dài hơn cũng được điều chỉnh giảm ở nhiều ngân hàng. Hiện tại, kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng nằm phổ biến trong khoảng 5,3 - 6,8%/năm và kỳ hạn 12 - 13 tháng là từ 6,4 - 7,3%/năm. Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay với một số đối tượng thuộc diện cần hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Cân nhắc liều lượng
Phản hồi về các giải pháp hỗ trợ, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HaSME) cho biết, doanh nghiệp trong Hiệp hội đã nhận được hướng dẫn của các NHTM về việc làm hồ sơ để thực hiện giãn nợ và giảm lãi suất cho vay, trong khi các giải pháp giãn thuế và tiền thuê đất vẫn còn “trên giấy”.
“Thực tế, những hỗ trợ về tín dụng và tài khóa như vậy là chưa đủ thấm so với khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Về phía doanh nghiệp, khoản nợ tại ngân hàng vẫn là nợ, họ chưa quan tâm đến việc trả nợ bằng việc phải sản xuất và bán được hàng, tức là bài toán cung cầu thị trường. Trong khi đó, vẫn chưa thấy rõ việc thực thi các giải pháp thị trường nào”, ông Quốc Anh nói.
Do đó, theo ông Quốc Anh, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn như giảm thuế GTGT và kéo dài các gói hỗ trợ tín dụng đến sau khi hết dịch để doanh nghiệp đủ sức hồi phục và phát triển. “Bên cạnh đó, có thể đẩy mạnh việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực có chi tiêu công của Nhà nước”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Từ góc độ khác, Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực cầm cự, cắt giảm chi tiêu để “sống sót” qua giai đoạn khó khăn này. Đó là cách làm tốt thay vì trông chờ quá nhiều vào sự hỗ trợ của Chính phủ.
“Thực tế, Chính phủ đang tập trung rất nhiều nguồn lực để chống dịch Covid-19. Việc hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết, song phải cân đối để bảo đảm vận hành hiệu quả các hoạt động của quốc gia và nền kinh tế. Việc tính đến các gói kích thích kinh tế như các nước khác cần hết sức cân nhắc. Bởi nếu áp dụng, Chính phủ có thể phải vay nợ dẫn đến những rủi ro đáng ngại cho ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn”, ông Minh nhấn mạnh.