Ngành giao thông triển khai nhiều giải pháp hiệu quả đẩy mạnh giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 9 tháng năm 2021, mặc dù việc triển khai thi công các công trình giao thông gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng, kéo dài, thiếu nguồn vật liệu xây dựng, chậm giải phóng mặt bằng... nhưng nhờ quyết liệt triển khai đồng loạt các giải pháp khác nhau, kết quả giải ngân của các dự án ngành giao thông đạt 61,6% kế hoạch, đáp ứng được tiến độ giải ngân theo yêu cầu đặt ra của Chính phủ.
Các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 sau khi được tháo gỡ nguồn cung vật liệu đã tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công - ảnh internet
Các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 sau khi được tháo gỡ nguồn cung vật liệu đã tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công - ảnh internet

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, xác định tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp và kéo dài sẽ gây áp lực lớn đến tiến độ thi công cũng như tiến độ giải ngân các công trình giao thông, từ đầu năm 2021, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công cho các dự án.

Đặc biệt, từ tháng 4/2021 (đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4) đến nay, Bộ đã quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban QLDA khắc phục khó khăn, tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Lãnh đạo Bộ thường xuyên chủ trì họp, kiểm tra hiện trường, làm việc với các bộ, ngành, địa phương và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Đối với những khó khăn kéo dài như công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu cho các dự án, Bộ đã nhiều lần chỉ đạo và kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ. Chẳng hạn như Văn bản số 503/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/4/2021 về bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; Công điện số 686/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/5/2021 về việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng và xử lý một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Tiếp đến, ngày 16/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Bộ GTVT cũng có Văn bản số 5208/BGTVT-CQLXD ngày 4/6/2021 gửi Bộ Xây dựng về biến động giá thép trong hoạt động xây dựng và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ để Bộ Xây dựng hướng dẫn khi triển khai các dự án...

Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Bộ GTVT đã ban hành nhiều quy định, hướng dẫn, phân cấp trách nhiệm rõ ràng trong quản lý, điều hành dự án. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Xây dựng khẩn trương triển khai các thủ tục xây dựng, điều chỉnh khoảng 479/584 định mức cho một số dự án như: Dự án cầu Mỹ Thuận 2, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu; Dự án cải tạo nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh và Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang; Dự án cải tạo, nâng cấp đường Cảng hàng không, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu; Dự án Kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, chính sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mà nhiều dự án của ngành giao thông đã kịp thời được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có sự chuyển biến rõ rệt.

Điển hình như các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 sau khi được tháo gỡ nguồn cung vật liệu đã tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sau khi được tháo gỡ công tác cọc thử, tiến độ đã được kiểm soát và vượt kế hoạch. Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sau khi xử lý được vấn đề thiếu hụt vật liệu, hiện nay đã bù được tiến độ chậm và triển khai đáp ứng tiến độ...

Mặc dù bối cảnh dịch bệnh phức tạp nhưng trong quý III/2021, không có dự án giao thông nào do Bộ GTVT quản lý phải dừng thi công. Ngoài tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư xây dựng khi tham mưu kịp thời xử lý khó khăn về vật liệu, Bộ GTVT cũng đã làm việc với các địa phương về giải phóng mặt bằng, phân bổ nguồn vốn, thường xuyên kịp thời theo dõi và đôn đốc giải ngân… Nhờ đó, đến hết tháng 9/2021, Bộ GTVT dự kiến giải ngân được 26.722 tỷ đồng, đạt 61,6% kế hoạch. Kết quả giải ngân chung của cả Bộ đáp ứng tiến độ giải ngân theo Nghị quyết 63 của Chính phủ (hết tháng 9/2021, giải ngân tối thiểu đạt 60%).

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, con số giải ngân 9 tháng năm 2021 của Bộ GTVT đạt 61,6%, cao hơn mức trung bình của cả nước 49,48% (tính trên con số báo cáo của 36/126 cơ quan báo cáo trên Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cập nhật ngày 1/10/2021).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), để đạt được mục tiêu và con số giải ngân của Ngành theo kế hoạch, từ nay đến hết ngày 31/1/2022 cần giải ngân 16.900 tỷ đồng. Đây là con số lớn trong khi những tháng cuối năm miền Trung và Tây Nguyên vào mùa mưa nên việc triển khai thi công ngoài công trường sẽ gặp khó khăn, đó cũng là thách thức lớn của Ngành để hoàn thành kế hoạch. Do đó, Bộ GTVT đề nghị các Ban QLDA, chủ đầu tư quyết liệt chỉ đạo điều hành dự án để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Tin cùng chuyên mục