Ảnh Internet |
Theo ông, yêu cầu điều chỉnh tăng phí hợp đồng 40 triệu USD của Liên danh nhà thầu Hyundai E&C - Ghella JV trong quá trình thực hiện Gói thầu CP03 do chủ đầu tư (UBND TP. Hà Nội) chậm trễ bàn giao mặt bằng có cơ sở không? Nếu có thì cụ thể là ở nội dung nào của Hợp đồng?
Theo hợp đồng đã ký với Liên danh nhà thầu Hyundai E&C - Ghella JV thực hiện Gói thầu CP03: Hầm và các ga ngầm, tối đa 30 ngày sau ngày khởi công, nhà thầu có quyền tiếp nhận toàn bộ mặt bằng công trường để triển khai thi công 4 ga ngầm. Do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) không thể bàn giao cùng một lúc 4 ga ngầm, đặc biệt là di chuyển hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi trong phạm vi xây dựng, nên nhà thầu cùng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội và tư vấn đã thống nhất các mốc bàn giao từng phần mặt bằng, di chuyển ngầm nổi và ấn định ngày khởi công.
Các bên cũng đã thống nhất nếu không bàn giao đúng các mốc thì phải xem xét một số chi phí hỗ trợ cho nhà thầu như: Chi phí cho điều chỉnh thời gian hoàn thành; chi phí cho điều chỉnh trình tự thi công. Các chi phí hỗ trợ nhà thầu đề xuất phù hợp với biện pháp thi công và sẽ phải thương thảo với chủ đầu tư, tư vấn để thống nhất trước khi ký Phụ lục hợp đồng và phải tuân theo nguyên tắc trong hợp đồng gốc đã ký trước đây. Tại thời điểm hiện nay, yêu cầu điều chỉnh tăng của nhà thầu Hyundai E&C - Ghella JV là không có cơ sở.
Hiện nay, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội và Liên danh nhà thầu Hyundai E&C - Ghella JV đang trao đổi, thống nhất để hoàn thiện Biên bản ghi nhớ giữa 2 bên. Ban cũng đã báo cáo UBND TP. Hà Nội xin chấp thuận chủ trương cho Ban được ký Biên bản ghi nhớ, làm cơ sở thương thảo, ký Phụ lục điều chỉnh hợp đồng với nhà thầu. Ban sẽ báo cáo UBND TP. Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội để xin ý kiến chỉ đạo trước khi ký Phụ lục điều chỉnh hợp đồng.
Theo ông, việc điều chỉnh hợp đồng cho nhà thầu có đội tổng mức đầu tư của Dự án lên không?
Ngày 28/6/2013, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 4007/QĐ-UBND phê duyệt tổng mức đầu tư của Dự án là 1.176 triệu Euro (khoảng 32.910 tỷ đồng), thời gian thực hiện 2009 - 2018. Trong đó, vốn ODA là 899,68 triệu Euro (25.183,7 tỷ đồng) và vốn đối ứng là 276,02 triệu Euro (7.726,3 tỷ đồng).
Đến thời điểm hiện tại, đã đấu thầu, ký hợp đồng triển khai 8 trong số 9 gói thầu chính sử dụng vốn ODA. Tổng giá trị các hợp đồng so với tổng vốn ODA được duyệt còn dư 100 triệu Euro do giảm giá qua đấu thầu và hiện chưa có gói thầu nào phải huy động dự phòng.
Việc chậm GPMB dẫn đến việc nhà thầu đòi tăng chi phí này là do đâu? Nguyên nhân cụ thể là gì và trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?
Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2016, UBND TP. Hà Nội phải GPMB, bàn giao 4 ga ngầm. UBND Thành phố và các sở, quận liên quan luôn bám sát tiến độ của Chính phủ, nhưng đang gặp một số khó khăn. Hiện tại, Ga S9 có 8 phương án các hộ dân chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Ngày 1/12/2016, bộ phận được giao trách nhiệm GPMB đã mời các hộ dân đến để trả tiền nhưng các hộ này không ra nhận tiền hỗ trợ GPMB. Bên cạnh đó, việc phối hợp của Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô trong công tác đo đạc, kiểm đếm diện tích đất để thu hồi, cũng như việc hoàn chỉnh một số cơ chế, chính sách về đền bù vẫn chưa nhận được sự đồng tình của người dân.
Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong thực hiện công tác GPMB và đã báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo sớm hoàn thành công tác GPMB để bàn giao cho nhà thầu theo tiến độ thực hiện.